Kiểm định lại mức độ nguy hiểm, đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội, đợt 1, các hộ dân tại bốn chung cư cũ và hai nhà chung cư đơn lẻ thuộc cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ (cấp D), sẽ phải hoàn thành việc di dời trong quý I/2022.
Kiểm định lại mức độ nguy hiểm, đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ Hà Nội ảnh 1

Người thuê nhà tại chung cư cũ bất an vì chất lượng công trình

Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ hộ 102G6 thuộc khu tập thể G6A Thành Công, nói “Kết quả kiểm định không chính xác với chất lượng chung cư hiện tại. Chất lượng căn nhà vẫn còn tốt, nếu có xuống cấp thì phải vỡ hết tường. Nói về chất lượng, nhiều khu chung cư cũng không thể so bằng khu này”.

Chị Loan - chủ căn hộ gần đó, phản đối di dời với lý do người dân chưa được gặp chủ đầu tư, chưa nhận kế hoạch cụ thể về việc bồi thường và địa điểm nơi ở mới... “Mọi kế hoạch đều chưa thông báo về thời gian cụ thể được quay trở lại đây sinh sống nên không thể yên tâm”, chị nói.

Tại chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), chủ căn hộ tại phòng 412, nói: “Để đảm bảo tiến độ cải tạo, xây mới và việc tái định cư cho cư dân, chúng tôi đề xuất chủ đầu tư phải kí quỹ”.

Những người thuê nhà tại các khu chung cư cũ lại “vừa làm, vừa lo”. Chị B.T.L thuê căn hộ tầng một tại chung cư G6A Thành Công hơn một năm nay để kinh doanh hàng ăn. Chị cho biết, ở đây đông dân cư, gần chợ, công viên… nên buôn bán khá tốt. Tuy nhiên, chất lượng chung cư rất đáng ngại, có dấu hiệu xuống cấp nặng. “Từ trong nhà ra phòng khách là một đường dốc, ngay cả bàn cũng dốc theo vì nhà đang bị nghiêng”, chị L nói. Ngoài ra, căn nhà thường xuyên trong cảnh ẩm thấp, tường lở, đường ống bên trong cũng bốc lên mùi cống rãnh.

Chị Phương Dung thuê căn hộ 208 tại chung cư G6A Thành Công được 3 tháng. Theo chị, ngoài việc ở trung tâm thuận lợi sinh hoạt, căn hộ đã xuống cấp nghiêm trọng. Chung cư cũng không có chỗ để xe riêng nên các hộ dân phải tập trung để xe ở tầng 1 và tự bảo quản.

Kiểm định lại toàn bộ chung cư cấp độ D

Ông Đỗ Công Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, cho biết, do chung cư Ngọc Khánh bị đánh giá mức độ D nguy hiểm nên UBND quận, phường đã tuyên truyền vận động người dân di dời. Đến nay, đa số cư dân đã tạm cư ở chung cư xở quận Hoàng Mai, một số hộ dân không tạm cư được nhận tiền để phục vụ thuê nhà sinh hoạt. Hiện chỉ còn 7 hộ dân chưa chấp thuận di dời. Những hộ này không đồng tình với kết quả kiểm định, do đó, để di dời dứt điểm hoặc có các biện pháp hành chính, cần phải rà soát hồ sơ kiểm định.

Trao đổi về chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, đại diện UBND phường Láng Hạ, quận Đống Đa cho biết, người dân ở chung cư đã được di dời từ thời điểm xảy ra sự cố đổ sập của công trình 49 Huỳnh Thúc Kháng bên cạnh, ảnh hưởng chất lượng của 2 khối nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng. Đến nay, người dân ở đơn nguyên B đã di dời gần hết, chỉ còn lại 3 hộ dân đã nhận nhà tạm cư, hiện ở lại để thuận tiện cho việc đi học của con cái.

Vị đại diện thông tin: “Cả chung cư rộng hơn 1.000m2 với diện tích 2 đơn nguyên nhà ở là 700m2 và khoảng sân gần 300m2. Đơn nguyên B còn 3 hộ dân, đơn nguyên A còn 40 hộ dân. Khi có kế hoạch của quận, chúng tôi sẽ triển khai các phương án di dời ngay”.

Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, việc rà soát, kiểm định chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn quận đang được Viện Khoa học Công nghệ xây dựng tiến hành. Việc kiểm định các chung cư cũ đã được tiến hành từ tháng 12/2021. Sau khi có kết quả kiểm định, UBND các phường sẽ di dời các hộ dân theo đúng kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã tạo thêm cơ chế thông thoáng để đẩy nhanh việc cải tạo. Các hình thức lựa chọn chủ đầu tư đã được quy định rõ ràng, cụ thể, quận có thể giới thiệu chủ đầu tư, tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các hộ dân về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án. Hiện nay quy định cần 75% cư dân có mặt tại hội nghị, 75% trong số đó đồng thuận là có thể tiến hành.

Trường hợp không được sự đồng thuận của cư dân thì thực hiện đấu thầu, nếu không đấu thầu được thì Nhà nước sẽ đầu tư. “Các hình thức lựa chọn chủ đầu tư đã được quy định rõ ràng, không cho phép dự án nào dừng lại vì không tìm được nhà đầu tư. Theo kế hoạch, giữa năm 2023 sẽ khởi công một số chung cư cũ”, ông Tuấn khẳng định.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc di dời đã được giao cho các quận chủ động lên kế hoạch thực hiện theo tiến độ. Đối với khu chung cư, nhà chung cư cũ (đợt 1) hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong quý I/2023, dự kiến khởi công trong quý II/2023.

MỚI - NÓNG