Tập trung quy hoạch nhân sự khóa XIV
Báo cáo kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023 ngành Tổ chức xây dựng Đảng, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, trong năm qua các quy định về công tác cán bộ tiếp tục được hoàn thiện, như việc phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; luân chuyển cán bộ. Nhất là thực hiện chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật…, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Toàn ngành cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức xây dựng Đảng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTXVN). |
Năm 2023, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đề ra 10 nhiệm vụ lớn, trong đó trọng tâm là tham mưu xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XIII) về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do BCH Trung ương bầu; Quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2026- 2031 tại Hội nghị Trung ương 8; Báo cáo về tình hình đội ngũ cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát một số chuyên đề quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, khắc phục có hiệu quả tình trạng cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đề cập đến kết quả thực hiện Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức”, “chạy quyền”, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói rằng, quy định trên đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý, người đứng đầu. Tuy nhiên, theo bà Mai, đâu đó vẫn có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, áp đặt ý chí chủ quan, buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định, quy chế của Đảng. Một số ít cán bộ, lãnh đạo, quản lý chưa thật sự gương mẫu, vẫn tìm kiếm cơ hội để đưa “người nhà”, “người thân” vào đội ngũ lãnh đạo do mình phụ trách, không đúng quy định, gây tâm tư, bức xúc trong nhân dân.
Có vào có ra, có lên có xuống
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương những kết quả của ngành tổ chức xây dựng Đảng đạt được trong năm 2022. Điểm nổi bật được ông Võ Văn Thưởng nêu ra là, việc đổi mới mạnh mẽ toàn diện công tác cán bộ để chuẩn bị nguồn nhân sự trước mắt và lâu dài; đã tập trung thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, bước đầu đã thực hiện nghiêm chủ trương khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, bước đầu đã thực hiện nghiêm chủ trương khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.
Về nhiệm vụ năm 2023, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tham mưu hoàn thiện quy định của Đảng về công tác tổ chức, xây dựng Đảng, bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước. Ông Võ Văn Thưởng cũng lưu ý phải đổi mới nhiều hơn nữa trong đánh giá cán bộ. “Trong đánh giá, cần đề cao sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Bởi lẽ, đánh giá như hiện nay, cán bộ sẽ có tâm lý tròn vo, “nước sông không đụng nước giếng”, “cứ tới thời, tới tuổi thì nó cũng lên””, Thường trực Ban Bí thư nói.
Đối với việc khuyến khích cán bộ từ chức, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đây là một cách nói trong nghị quyết, “không có nước nào đưa chuyện từ chức thành văn hóa cả”. Do đó, việc từ chức xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm phải từ chức. “Vấn đề này đang được thực hiện và dần trở thành hiện thực ở các cấp thì cũng sẽ tốt hơn cho công tác cán bộ của chúng ta”, ông Võ Văn Thưởng nói.