Khủng hoảng Syria: Cái gốc của dòng người tị nạn?

Người di cư tại biên giới Hungary với Serbia. Ảnh: Getty.
Người di cư tại biên giới Hungary với Serbia. Ảnh: Getty.
Trong tuần qua, vấn đề “nóng nhất” là người tị nạn từ Syria tràn vào châu Âu. Trong khi EU đang loay hoay phân bổ “hạn ngạch”, thì Nga đột ngột đưa ra sáng kiến giải quyết tận gốc vấn đề, và kêu gọi xây dựng một liên minh chống khủng bố, bao gồm lực lượng của chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nga kêu gọi liên minh chống khủng bố và tăng cường hiện diện quân sự

Trong tháng vừa qua, Nga đã ráo riết tiếp xúc với các bên liên quan trong khu vực Trung Đông và Mỹ để vận động cho việc hình thành liên minh chống khủng bố có sự tham gia của chính quyền Syria.

Nếu ý tưởng của Nga hình thành trên thực tế, thì sẽ song song tồn tại hai liên minh chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq. Đại diện các nước Arab ngay lập tức tuyên bố không tham gia bất cứ liên minh nào có chính quyền của Tổng thống al-Assad.

Moscow đã nhiều lần kêu gọi “liên minh quốc tế” do Mỹ cầm đầu hợp tác với chính quyền Syria chống IS dưới sự bảo trợ của HĐBA - LHQ. Moscow cho rằng, việc phối hợp với các lực lượng vũ trang Syria là thành tố quan trọng trong sự đoàn kết nỗ lực chống khủng bố.

Ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga tiết lộ, ông Putin có thể sẽ phát biểu về tình hình Syria và cuộc chiến chống IS tại Đại hội đồng LHQ sắp diễn ra ở Mỹ ngày 15/9.

LB Nga cho rằng, việc loại chính quyền Syria ra ngoài liên minh quốc tế là không khách quan, bởi quân đội của Tổng thống al-Assad là lực lượng tại chỗ nên rất “hữu hiệu” trong cuộc chiến chống IS.

Ngày 11/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng kêu gọi liên minh do Mỹ đứng đầu phối hợp với Moscow và Damascus để tránh xảy ra “những sự việc ngoài ý muốn” ở Syria.

Ông Lavrov nhấn mạnh, sự phối hợp là rất quan trọng vì các chiến dịch không kích là chưa đủ để quét sạch các tay súng IS. Ông Lavrov kêu gọi các cường quốc thế giới vũ trang cho quân đội Syria, vì đây là lực lượng trên bộ nòng cốt nhất để phối hợp tác chiến với các lực lượng không kích.

Mục tiêu chiến lược của Nga là chủ động bảo toàn lợi ích của họ xây dựng ở Syria từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Lợi ích chiến lược ấy hiện đang bị đe dọa, khi diễn biến trên chiến trường chuyển theo hướng bất lợi cho chính quyền Damascus.

Nga tuyên bố, sẽ giúp chính quyền Syria giữ thế cân bằng lực lượng nhằm đối trọng với phe đối lập, để chính quyền Damascus không bị lép vế khi phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên tham gia nội chiến.

Bộ Ngoại giao Nga, giải thích rằng, mục đích tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga là để triển khai kế hoạch do Tổng thống Putin đề xướng về việc hình thành một “liên minh quốc tế - khu vực chống khủng bố” có sự tham gia của chính quyền Syria cùng các nước Arab và Iran.

Moscow nhấn mạnh rằng, các vũ khí và thiết bị quân sự được cung cấp cho Syria theo hợp đồng đã ký là phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế, còn các chuyên gia quân sự và binh sĩ Nga tới Syria là để huấn luyện, giúp đỡ binh sĩ nước này sử dụng thiết bị quân sự do Nga cung cấp.

Ngoại trưởng Nga, ông Lavrov cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng việc Nga gia tăng hiện diện quân sự tại Syria hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad có thể làm leo thang xung đột tại nước này.

Đức hoan nghênh, Mỹ lúng túng

Tờ Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer tại cuộc họp báo cho hay, “Berlin hoan nghênh khả năng Nga tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq”.

Ông Schaefer nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh nếu LB Nga và Tổng thống Putin, trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo,… sẽ thông qua quyết định tham gia cuộc chiến chống IS”.

Bộ Ngoại giao Đức cũng cho rằng: “Cuộc đấu tranh này đoàn kết tất cả chúng ta lại trước mối đe dọa những ý tưởng Hồi giáo cực đoan lan tràn khắp thế giới. Nga cũng như chúng tôi đang bị ảnh hưởng”.

Trước các động thái mới của Nga ở Syria, Mỹ tỏ ra lúng túng quay sang “nắn gân” Tổng thống Syria al-Assad, và khẳng định rằng: “sự ủng hộ của Moscow với chế độ Assad chắc chắn sẽ thất bại”.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby lại tuyên bố nước này sẽ hoan nghênh “một vai trò mang tính xây dựng” của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria và cảnh báo Moscow không nên tìm cách củng cố sức mạnh của Tổng thống al - Assad.

Như vậy, vấn đề dòng người tị nạn từ Syria sang EU là hệ quả gây “sốc” nhất của cuộc chiến tại Trung Đông, kể từ khi Mỹ và phương Tây ủng hộ phe đối lập và chống chính quyền Syria al - Assad.

Tuy nhiên, trước sáng kiến mang tính “đột phá” của Nga để giải quyết vấn đề thì Mỹ và phương Tây lại bị phân hóa, người hoan nghênh, kẻ lo lắng.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, mặc dù lợi ích địa chiến lược của các nước khác nhau, nhưng đã đến lúc các bên cần phải tìm được tiếng nói chung để vãn hồi hòa bình cho người dân Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, vì họ đã quá đau khổ kể từ khi cơn lốc “Mùa xuân Arab” tràn qua.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.