Con rể Vũ Trọng Phụng nhìn xa, trông rộng…
Trên facebook của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, có đăng lại bài của Hoàng Minh Tường, tác giả kể lại cuộc gặp với con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông Nghiêm Xuân Sơn, khi ông Sơn còn sống. (Nhà văn Hoàng Minh Tường đã xác nhận, bút ký này được in trong tập “Bạn văn ngoài vùng phủ sóng”, NXB Hội Nhà văn, 2011). Xin trích nguyên văn: “Còn việc này. Gia đình đã có đơn, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 cũng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa và thành phố Hà Nội xin được cho khu tưởng niệm ông cụ thành Di tích Nhà nước. Chúng tôi xin chứng nhận thôi. Đất đai cùng mọi cơ sở vật chất gia đình chúng tôi xin tự lo tất. Cái chính là chúng tôi xin Nhà nước cho ba chữ…
-Ba chữ gì hả bác?
-Ba chữ “Cấm vi phạm” chú ạ. Vì tôi muốn phòng xa. Tôi muốn tất cả con cháu sau này không đứa nào được nhòm ngó chia chác khu linh thiêng này. Đất ở đây giờ vài chục triệu đồng một mét vuông. Ba trăm mét vuông là cả chục tỷ đồng…”.
Qua cuộc trò chuyện giữa nhà văn Hoàng Minh Tường và con rể Vũ Trọng Phụng nhiều năm trước có thể thấy ông Nghiêm Xuân Sơn đã lường trước mọi vấn đề. Ông đề nghị công nhận nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng là di tích Nhà nước với mục đích chính để con cháu “không nhòm ngó chia chác khu linh thiêng này”. Thế thôi. Nhưng để được công nhận là di tích cấp quốc gia không đơn giản như cách nghĩ của ông Nghiêm Xuân Sơn, cũng như một bộ phận dư luận hiện nay.
Chuyện 10 năm cũ…
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên chính Phòng quản lí di tích, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch. Ông Đức Dũng khá ngạc nhiên khi câu chuyện công nhận di tích đối với khu lưu niệm Vũ Trọng Phụng lại nóng lên. Trở lại chuyện gần 10 năm trước. Ông Nguyễn Đức Dũng xác nhận: “Ngày 29/4/2010, Cục Di sản Văn hóa nhận được công văn số 188/TCHV ngày 26/4/2010 của Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị xếp hạng khu di tích văn hóa Vũ Trọng Phụng gồm khu mộ, nhà lưu niệm, nhà thờ nhà văn Vũ Trọng Phụng tại cụm Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Cục Di sản Văn hóa đã chuyển công văn này đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng kết hợp chính quyền địa phương nghiên cứu tình hình thực tế và căn cứ tiêu chí xếp hạng di tích, đề xuất phương án giải quyết đối với đề nghị của Hội Nhà văn Việt Nam để UBND thành phố Hà Nội và Bộ VHTT & DL xem xét quyết định. Ngày 1/12/2013, Cục Di sản Văn hóa nhận được Công văn số 597/BQLDT-NCDT ngày 3/12/2013 của Ban quản lí di tích danh thắng Hà Nội đề nghị Cục Di sản Văn hóa thẩm định trích ngang lý lịch di tích Nhà lưu niệm và mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Sau khi nghiên cứu, Cục Di sản Văn hóa có công văn số 33/DSVH-DT trả lời di tích Nhà lưu niệm và mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng không đủ tiêu chí xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL xét duyệt di tích cấp quốc gia, đề nghị Ban quản lý di tích & danh thắng Hà Nội báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND TP Hà Nội xem xét xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích này”.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, di tích lịch sử được chia thành di tích lịch sử lưu niệm sự kiện và di tích lịch sử lưu niệm danh nhân, là địa điểm hoặc công trình, nhưng phải gắn liền với nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử. Như vậy, với trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng “nếu còn địa điểm ở quê hương Hưng Yên hoặc căn nhà ở phố Hàng Bạc nơi ông thuê để viết văn thì có thể xếp hạng di tích được”.
Người nhà của tác giả “Số đỏ” muốn dừng xếp hạng di tích
Như trên đã viết, sau khi Cục Di sản Văn hóa thẩm định trích ngang lí lịch di tích nhà lưu niệm và mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng nhận thấy không đủ tiêu chí xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH, TT & DL xét duyệt di tích cấp quốc gia, đã đề nghị Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội báo cáo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trình UBND TP Hà Nội xem xét xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích này. Song đến nay, Nhà lưu niệm và mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn chưa được xếp hạng di tích. Lỗi tại Ban quản lý
di tích?
Trao đổi với một thành viên thuộc Ban quản lý Di tích- Danh thắng Hà Nội, chúng tôi được hồi đáp: “Trước đây, chúng tôi đã đưa vào xếp hạng cấp thành phố với di tích này nhưng nó bị dừng lại vì người nhà (cụ thể là cháu ngoại của nhà văn Vũ Trọng Phụng-PV) có nguyện vọng không làm nữa”. Chúng tôi muốn biết rõ ràng hơn về thời điểm, người của Ban quản lý di tích trả lời: “Năm 2013-2015, Sở đã có tổng kiểm kê. Tại thời điểm đó đã có đơn đề nghị không đưa khu tưởng niệm Vũ Trọng Phụng vào xếp hạng di tích nên không có trong danh mục kiểm kê, cũng không có trong danh mục quản lí di tích luôn”. Vị này kết luận: “Khu tưởng niệm thuộc sở hữu tư nhân của gia đình người ta. Có xếp hạng di tích cũng phải trên cơ sở đề xuất của gia đình người ta, của địa phương, phường, quận. Nhưng tại đời điểm đó gia đình người ta lại có nguyện vọng dừng”.
Chúng tôi hỏi thêm: “Nếu được xếp hạng di tích cấp thành phố thì khu tưởng niệm Vũ Trọng Phụng sẽ được quản lí như thế nào?”. Thành viên thuộc Ban quản lí Di tích và Danh thắng Hà Nội giải thích: “Về công tác quản lí nhà nước thì thành phố sẽ giao quản lí cho UBND quận. Hằng năm, quận chú trọng công tác về bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích. Đầu tư công của quận sẽ cấp kinh phí chẳng hạn”. Khi đã được xếp hạng di tích thì khu tưởng niệm có còn thuộc quản lí của gia đình Vũ Trọng Phụng không, chắc chắn là băn khoăn của nhiều người. Đây là lời đáp từ người có chuyên môn: “Khi đã được xếp hạng thì gia đình vẫn trông nom quản lí ở đó. Tất nhiên, khi đã được xếp hạng theo nguyên tắc bảo tồn thì muốn xây dựng, cơi nới… phải có ý kiến của ngành văn hóa”.