Tìm hiểu về tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu qua 'Hà Thành chính khí'

"Hà Thành chính khí" về Tổng đốc Hoàng Diệu do Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn
"Hà Thành chính khí" về Tổng đốc Hoàng Diệu do Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn
TPO - “Hà Thành chính khí” là vở kịch mới nhất của Nhà hát Kịch Hà Nội do NSND Trung Hiếu dàn dựng vừa ra mắt, khai mạc sân khấu quay đầu tiên ở miền Bắc.

“Hà Thành chính khí” công diễn tối 1/11 tại Rạp Công nhân. Vở diễn lấy bối cảnh những năm 1880 khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ và đem quân ra Bắc đánh thành Hà Nội. Hoàng Diệu vừa được bổ nhiệm Tổng đốc trấn giữ tỉnh Hà Ninh cai quản Thành Hà Nội, tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình. Do sự phản trắc của Án sát Tôn Thất Bá, năm 1882 Pháp chiếm thành Hà Nội, Tổng đóc Hoàng Diệu tuẫn tiết trước Võ Miếu.

Vở kịch do NSND Trung Hiếu làm tổng đạo diễn, là tác phẩm mừng 60 năm thành lập nhà hát và khai mạc sân khấu quay mới, duy nhất ở miền Bắc hiện nay. Sân khấu quay giúp việc sử dụng và chuyển bối cảnh linh hoạt hơn.

Vai Hoàng Diệu được giao cho diễn viên Tiến Lộc. Vóc dáng của nam diễn viên khá phù hợp vào vai vị Tổng đốc văn võ song toàn, vốn học vấn uyên thâm. Dàn diễn viên thêm chắc chắn khi có hai nghệ sĩ tên tuổi NSND Công Lý (Tôn Thất Bá) và NSƯT Quang Thắng vào vai Đại tá hải quân Henri Rivière. 
Tìm hiểu về tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu qua 'Hà Thành chính khí' ảnh 1

NSƯT Quang Thắng vai đại tá Pháp và Tiến Lộc trong vai Hoàng Diệu

“Hà Thành chính khí” khái quát được giai đoạn Tổng đốc Hoàng Diệu nhậm chức giữ thành Hà Nội, cũng như nét tính cách và phẩm chất nổi bật của ông-một vị quan thanh liêm chính trực vì dân vì nước, vừa lo đào hào đắp thành chống giặc, mặt khác chăm lo đời sống cho dân chúng. Ngày nay Ô Quan Chưởng đầu phố Hàng Điều còn áp ở mặt tường cổng một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ niêm yết năm 1881 của Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng nhằm ngăn chặn tệ nhũng nhiều đối với nhân dân.

Tìm hiểu về tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu qua 'Hà Thành chính khí' ảnh 2

Tái hiện bối cảnh Hà Nội trước khi bị Pháp chiếm năm 1882

Để thành Hà Nội rơi vào tay giặc Pháp, quan Tổng đốc thảo di biểu trước khi chết: “Lòng thần như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống là vô ích, thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Đem thân định quyên sinh, không thể học Tào Mạt hay dọa địch; treo cổ đền trách nhiệm, chỉ mong theo Trương Tuần chết giữ thành. Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thể bắt buộc. Đất trung thổ trở thành địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc Hà; lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất, mấy hàng huyết lệ…”.

MỚI - NÓNG