'Thiên đường nơi hạ giới' Cửu Trại Câu sau khi 'nổi giận'

Mỏm núi rơi xuống từ độ cao 2.654m trong trận động đất ngày 8/8/2017 ảnh: Anh Tuấn
Mỏm núi rơi xuống từ độ cao 2.654m trong trận động đất ngày 8/8/2017 ảnh: Anh Tuấn
TP - Giữa tháng 10, chúng tôi kết nối được với một chương trình thăm quan Cửu Trại Câu của Sở văn hóa và du lịch Tứ Xuyên (Trung Quốc). Gần hai năm sau khi khu bảo tồn sinh quyển này bị động đất, thiên nhiên đã tự vá lành nhưng cú “nổi giận” 7 độ richter đã khiến chính quyền ở đây phải dè dặt hơn trong việc khai thác mỏ vàng du lịch này.

5.000 khách mỗi ngày, không có ngoại lệ

Cửu Trại Câu từ lúc được đưa vào khai thác du lịch đã được ví là con gà đẻ trứng vàng. Với khoảng hơn 100 hồ tự nhiên hình thành từ trầm tích đá vôi trên cao nguyên Tây Tạng, lẫn trong rừng nguyên sinh ôn đới, Cửu Trại Câu được ví là “thiên đường nơi hạ giới”. Phim “Tây Du Ký” và “Thần Điêu Đại Hiệp” cũng lấy nơi này làm trường quay khiến nó càng trở nên nổi tiếng. Cao điểm, Cửu Trại Câu phải tiếp 40.000 lượt khách một ngày (gấp đôi con số 20.000 như một số tờ báo đưa tin). Vé vào Cửu Trại Câu cũng nằm ở top đắt nhất trong số các vé tham quan của Trung Quốc, trung bình từ 100-300 NDT/ vé (tương đương 330.000- 1.000.000 VNĐ).

Từ sau vụ động đất năm 2017, Cửu Trại Câu không bán vé lẻ, chỉ bán theo đoàn có chứng nhận của Hiệp hội Du lịch Trung Quốc, vé này kèm bảo hiểm và phải đặt trước hàng tháng.

Ngày 18/10, trong đoàn chúng tôi có một khách nữ là người Quảng Đông không may bị lạc đã bị nhân viên chặn cửa không cho mua bổ sung bởi “không có ngoại lệ, lượng vé bán ra đã đủ 5000”. Các tay phượt gạo cội do vậy cũng không có cách để tự khám phá ở chốn này nếu đi lẻ. Ai muốn ở thêm một ngày để khám phá thêm vui lòng sáng hôm sau xếp hàng lại.

Trận động đất 7 độ richter đã đánh động cả chính quyền tỉnh Tứ Xuyên và tổ chức UNESCO (năm 1992, UNESCO đã công nhận Cửu Trại Câu là di sản văn hóa thế giới, năm 1997 công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới). Mặc dù nó chỉ diễn ra 15 giây nhưng đã làm chết 25 người và làm hơn 500 người bị thương. Cửu Trại Câu sau đó bị đóng cửa sửa chữa gần một năm, khi mở lại, người ta chỉ bán 2.000 lượt vé một ngày.

Không có nhiều thông tin về Cửu Trại Câu trên các trang web du lịch bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Một đại diện của Sở văn hóa và du lịch Tứ Xuyên cho biết: “Chúng tôi hiện chưa có chủ trương quảng bá rộng, chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu tham quan của khách nội địa đã khiến Cửu Trại Câu quá tải. Để giữ gìn kho báu này, không thể gấp gáp. Dù sao thiên nhiên đã cảnh báo chúng ta một lần”.

Đó cũng là lý do vì sao du khách Âu, Mỹ gần như vắng bóng ở Cửu Trại Câu. Lượng khách nội địa chiếm hơn 90%, số còn lại thuộc về khách Hồng Kông, Singapore và Thái Lan...

Một tin vui cho những tín đồ du lịch, hiện nay Chính phủ Trung Quốc đang khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Lan Châu với Thành Đô, dài gần 500km đi qua khu vực Cửu Trại Câu. Sau khi hoàn thành, cung đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường bộ từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu từ 10 tiếng đồng hồ như hiện nay xuống còn 2 tiếng.

Bất ngờ ở Hoàng Long

Cùng nằm trong hệ sinh thái Cửu Trại Câu, cách đó khoảng 100km đường núi, núi Hoàng Long có vẻ vắng khách hơn nhiều. Chúng tôi chỉ phải xếp hàng khoảng 30 phút để đến cáp treo lên lưng chừng núi. Đây là chuyện rất hiếm trong du lịch Trung Quốc, bởi việc xếp hàng hai ba tiếng đồng hồ để đến một thắng cảnh nào đó là chuyện thường.

Lên đến đỉnh mới biết lý do, toàn bộ khách hơn 70 tuổi đều không được phép mua vé (đây là luật), khách bị tim mạch, mới phẫu thuật trong vòng 3 tháng... cũng không được mua vé. Dọc đường đi, các trạm tiếp oxy tấp nập người ra vào. Sản phẩm bình oxy cá nhân và nước tăng lực có giá 100 NDT/bình đắt như tôm tươi. Hoàng Long cao gần 4.000 mét so với mực nước biển, trên đỉnh không khí khá loãng nên nhiều người bị sốc độ cao. Đặc biệt hơn, đỉnh núi có tuyết phủ từ đầu mùa thu, vào ban đêm nhiệt độ có thể xuống tới âm 100C. Nước ở những nhà hàng, khách sạn dưới chân núi thường chỉ sôi đến 700C. Đầu thu người ta đã phải bật lò sưởi và dùng chăn điện. Mặc dù đi lại khó khăn, nhưng nhà hàng, khách sạn dưới chân núi đông đúc như một thành phố thu nhỏ. Ở đây có cả khách sạn năm sao giá mấy nghìn tệ đến nhà nghỉ bình dân vài chục tệ.

Hoàng Long là một kiểu lộng lẫy khác hẳn Cửu Trại Câu. Suốt từ trên đỉnh núi dọc xuống dưới, hàng trăm cái hồ bậc thang xếp lớp lẫn trong rừng lá phong đã ngả vàng. Ở đáy hồ có nhiều loại khoáng khác nhau khiến cho nước hồ biến ảo năm màu. Christopher Léman - một tay leo núi người Pháp nhận xét: “Tôi đi nhiều nơi, nhưng chưa từng thấy đáy hồ nào có màu nước ánh kim biến ảo thế này. Cùng một dải hồ, khoảnh màu xanh, khoảnh màu vàng, màu lục, màu tím... đan xen. Cấu tạo hồ bậc thang cũng là hiếm có. Thiên nhiên quá ưu đãi nơi này”.

Cả Hoàng Long và Cửu Trại Câu đều nằm trong khu vực sinh sống của người Đông Tạng (để phân biệt với Tây Tạng). Để hỗ trợ sinh kế cho nhóm người dân tộc thiểu số này, chính quyền Tứ Xuyên đã yêu cầu các tour phải ghé qua nhà hàng của người Tạng để “ăn ủng hộ”. Cách chế biến của dân địa phương không hợp khẩu vị ngay cả với người Trung Quốc, bởi thế sau đó, đoàn nào cũng sẽ phải ăn bổ sung bữa khuya ở khách sạn. Một điều phi lý nữa, mang danh quảng bá văn hóa Tạng nhưng toàn bộ những bài hát mà các thiếu nữ người Tạng biểu diễn lại là những bài pop ballad ăn khách đương thời.

Hạn chế xây dựng và tôn trọng tự nhiên

Hầu hết các công trình xây dựng ở vùng lõi của Cửu Trại Câu và Hoàng Long đều chỉ là những lầu nghỉ chân có kiến trúc nhất quán. Và điều khiến du khách quốc tế thích thú nhất ở đây chính là những con đường lát gỗ dài hàng chục cây số gần như không có sự đối chọi với hệ sinh thái của rừng. Theo như giải thích của hướng dẫn viên, đường gỗ mặc đù đắt hơn đường đá (vì phải tu sửa thường xuyên) nhưng vì được thiết kế rãnh thoát nước đặc biệt nên rất phù hợp với thời tiết băng giá, tuyết rơi trong suốt nửa năm ở vùng núi cao. Vào mùa đông, thậm chí người ta phải trải cả thảm gai trên suốt dọc đường để chống trượt.

Vào cửa danh thắng này, khách còn phải di chuyển bằng xe điện cả chục cây số để đến từng điểm hồ. Cửu Trại Câu rộng khoảng 700km2, cao từ 2.000-4.500 mét so với mực nước biển. Mỗi chiếc xe chuyên chở ở đây đều được trang bị hai loại nhiên liệu: điện và khí, không dùng xăng.

Toàn bộ cây gãy, đổ xuống lòng hồ đều được để y nguyên, không trục vớt. Chính những thân gỗ mục này lâu ngày sinh rêu cộng với lớp địa y mọc ở trên góp phần tạo nên vẻ độc đáo của cả hệ thống “biển hồ” ở Cửu Trại Câu. Hầu như mỗi hồ đều có một vài thân cây thông, cây phong nằm ngang dưới đáy. Có những hồ sâu đến 30m nhưng không ảnh hưởng đến việc người ta có thể nhìn thấu cả hệ sinh thái bên dưới. Nước hồ ở đây quanh năm xanh màu xanh của ngọc lục bảo. Và cho dù tuyết rơi mặt hồ cũng không bị đóng băng.

Mặc dù buổi trưa người dân được phép mang theo đồ ăn để “ngả chiếu picnic” nhưng dọc đường đi không hề có rác. Kết quả này không đến từ ý thức của người dân (cứ nhìn vào những nhà vệ sinh kinh hoàng ở đây là biết) mà là từ hàng trăm nhân viên vệ sinh có mặt ở khắp mọi nẻo đường, mang theo dụng cụ quét và gắp rác. Một mẩu đầu thuốc, một bã kẹo cao su cũng bị họ moi ra. Cũng tuyệt không có hiện tượng khắc tên, vẽ lời tỏ tình nhắn gửi lên thân cây, vách đá bởi nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng. Thanh niên Trung Quốc có riêng một “diễn đàn” cho việc này, những cây cầu tình yêu trĩu khóa đồng tâm có ở hầu hết các tụ điểm công cộng. Từ vài tệ đến vài chục tệ là có một cái khóa đồng kèm lời chúc phúc khắc bên trên để treo lên cầu. Vừa vững bền, lại hợp pháp.

'Thiên đường nơi hạ giới' Cửu Trại Câu sau khi 'nổi giận' ảnh 1

Thầy trò Đường Tăng chụp ảnh cùng khách du lịch dưới chân thác Nuorilang, nơi quay phim “Tây Du Ký”

'Thiên đường nơi hạ giới' Cửu Trại Câu sau khi 'nổi giận' ảnh 2

Cây đổ ngang mặt hồ

'Thiên đường nơi hạ giới' Cửu Trại Câu sau khi 'nổi giận' ảnh 3

Hồ, rừng thông và núi tuyết ở Cửu Trại Câu

'Thiên đường nơi hạ giới' Cửu Trại Câu sau khi 'nổi giận' ảnh 4

Con đường xuyên rừng bằng gỗ

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.