Đây là tình trạng chung của gần 100 hộ dân thuộc tổ 12A, phường Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh sống cạnh bờ kè đá dài hơn 1km của Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm xây dựng.
Cứ mỗi khi trời mưa to, nước từ bờ kè sát vách nhà lại phun thành từng dòng kèm theo đất đá chảy vào nhà. Thậm chí, trong trận mưa đầu mùa tuần trước, hơn 30m bờ kè của Cty này đã đổ sập khiến hàng chục hộ dân quanh khu vực được một phen hoảng loạn.
"Cứ thấy trời âm u, biểu hiện của cơn mưa là tôi lại tay xách nách mang cầm theo đồ đạc cá nhân, vài bộ quần áo rồi bế con đi ở nhờ, đang đi làm mà thấy thời tiết vậy cũng phải chạy về đưa con đi", bà V.T.T (63 tuổi, tổ 12A, phường Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh) nói.
Chỉ vào bờ kè đá, bà T nói: "Nhiều chỗ xuất hiện vết nứt lớn, kéo dài chạy dọc thân kè. Cứ mưa là nước từ những kẽ hở của bờ kè này chảy thành tia mạnh trào ra ngoài gây ngập úng phần sân nhà tôi".
Được biết, tuyến kè đá dài hơn 1km do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Tuyến kè được xây bằng đá hộc, liên kết bằng vữa xây dựng nhưng nay đã rời rạc tạo ra những lỗ hổng lớn.
Ngay sau vụ việc hơn 30m kè đá này đổ sập, một số chuyên gia xây dựng đã nêu ý kiến và cho rằng: Tuyến kè bị sập không hề có hệ thống khung chống đỡ, không có chân móng.
"Toàn bộ tuyến kè không giật cấp, không có điểm chống đổ và được xây thẳng đứng áp sát nhà dân. Phần trong dự án được chủ đầu tư đổ đất cao bằng đỉnh kè, mái nhà của người dân cũng chỉ cao bằng đỉnh kè khiến cả khu dân cư nằm lọt thỏm cạnh bờ kè không đạt chất lượng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào", Ông Đ. V. H, một chuyên gia xây dựng cho biết.
Trao đổi về việc này, UBND TP Hạ Long cho biết, ngay sau khi sự cố sập bờ kè của Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm, thành phố đã buộc phải di dời khẩn cấp 32 hộ dân khỏi vùng đặc biệt nguy hiểm, còn lại khoảng 60 hộ dân chưa thuộc diện di dời.
Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND phường Hà Khánh, ông Nguyễn Văn Quang cho biết, tuyến kè này được xây cách đây hơn 1 năm, thiết kế theo kiểu kè chân vịt. Ngoài 30m kè đã đổ sập, có khoảng hơn 80m kè có nguy cơ sập sẽ được TP Hạ Long thay thế bằng cách đổ bê tông khối.
"Tuyến kè này xây trên một số đường hầm lò than cũ, mưa gió khiến sập đổ, sắp tới 3 hộ dân sẽ tiếp tục được di dời, phía TP Hạ Long đã phê duyệt việc thay đổi thiết kế bờ kè từ xây đá hộc sang đổ bê tông tại một số điểm nguy hiểm", ông Quang nói.
Không chỉ tuyến kè của Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm có nguy cơ sạt lở, trên địa bàn TP Hạ Long còn xuất hiện một số điểm sạt lở nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân như gia đình bà Khương Thị Sen (SN 1986, trú tổ 11, khu 3, phường Hồng Hà).
Hiện tại, gia đình bà Sen bị chính quyền cấm về nhà vì cả 2 ngôi nhà của bà đang nằm trong diện sạt sở. Nguyên nhân chính là do hộ gia đình ông Nguyễn Việt Hà (hàng xóm bên dưới) đã ngang nhiên đào bới, hạ cốt nền xuống sâu gần 20m. Việc hạ cốt nền đã tác động đến phần đất nhà bà Sen. Sau trận mưa đầu tuần, toàn bộ lối đi nhà bà Sen đã bị đổ sập, khiến ngôi nhà chên vênh bên vực thẳm.
Về việc này, bà Sen đã có đơn trình báo lên UBND phường Hồng Hà nhưng chưa được phía chính quyền đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Chỉ khuyến cáo không được đi lại, sinh hoạt tại ngôi nhà vì nguy hiểm. Hơn tuần nay, gia đình bà Sen phải đi ở trọ vì không thể về nhà.
"Ngay sau khi xảy ra sạt lở, phía phường đã cho người tới căng bạt che hiện trường, tránh mưa lớn gây xói mòn, nguy hại nhà tôi phía trên, tuy nhiên hiện tại gia đình tôi không có đường vào nhà, hiện tại chúng tôi phải đi ở trọ", bà Sen bức xúc nói.
Trước đó, tại phường Bãi Cháy đã xảy ra một vụ sạt kè nghiêm trọng khiến 1 người chết. Nạn nhân là một công nhân xây dựng đã dựng lán gần chân kè để ở tạm. Trong lúc trời mưa to, chân kè bất ngờ đổ sập vùi lấp nạn nhân.