Không thể giao tự chủ cho các trường tràn lan

Không thể giao tự chủ cho các trường tràn lan
TP - Trong hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập” (tổ chức tại Hà Nội, ngày 29-11-2011), các trường công lập cũng đang đua nhau đòi quyền tự chủ.

> 'Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Còn nhiều vướng mắc

Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, một trường được trao quyền tự chủ từ năm 2008 phát biểu: Thực chất là trường được quyền tự lo kinh phí chi thường xuyên, được phép tăng định mức và tăng lương lên 2,5 lần, ngoài ra không được quyền hạn hay cơ chế gì hơn so với trường khác.

Tự đảm bảo kinh phí nhưng học phí và các khoản thu khác vẫn phải tuân theo quy định của Nhà nước khiến trường này rơi vào tình cảnh thu không bù được chi. Hệ quả là đã không tăng được thu nhập cho giảng viên, khiến nhiều giảng viên sang các ngân hàng làm việc hoặc sang giảng dạy tại các ĐH tư thục, ĐH quốc tế.

Ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính nói: Tự chủ tài chính còn mắc nhiều. Một trong vướng mắc đó là định mức kinh tế kỹ thuật quá lạc hậu trong nhiều năm, nay chưa được đổi mới. Ông Chi dẫn ví dụ: trường này được cho tự chủ về tài chính trong điều kiện quy định về khấu hao của nhà nước vẫn giữ nguyên. Các thiết bị máy móc, thiết bị của trường, do sử dụng quá thường xuyên (3-4 ca một ngày) nên chỉ hơn 1 năm là hết khấu hao nhưng phải 5 năm sau mới được thay!

Khoảng 12 ý kiến trong tổng số 170 đại biểu dự hội nghị tập trung vào khoảng 9 vướng mắc của sự tự chủ, như Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kết luận: Sự bất cập về quy định, chưa phù hợp với thực tiễn đã trở thành rào cản khiến cho các nhà khoa học chần chừ trong nghiên cứu khoa học, sự cào bằng trong phân bổ ngân sách không tạo ra thế cạnh tranh; cấp ngân sách hàng năm chưa tạo ra sự phát triển dài hạn của các trường...

Chỉ đầu tư cho địa chỉ có hiệu quả

TS Nguyễn Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định: Cần phải có sự thay đổi việc phân bổ ngân sách theo hướng cấp theo kết quả và chất lượng đào tạo thay vì việc cấp phân bổ bình quân như hiện nay.

Theo ông Trường Giang, những ngành khoa học cơ bản, sẽ cần có chính sách để thu hút được sinh viên; những ngành mà xã hội và các doanh nghiệp cần như kinh tế, ngoại thương… mà xã hội và doanh nghiệp hỗ trợ được để các lực lượng này tự lo.

Tuy nhiên, ông Trường Giang nhấn mạnh: Hiện nay tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra, đánh giá nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí chuẩn mực; mỗi trường có tiêu chí đánh giá khác nhau, chưa giải trình được với xã hội và gia đình học sinh. Quan điểm của chúng tôi là phải ban hành những tiêu chí chất lượng, theo kết quả đầu ra.

Khi đó, tất cả các trường công lập và ngoài công lập sẽ được cạnh tranh một cách bình đẳng để dành nguồn ngân sách nhà nước theo hướng: nguồn ngân sách nhà nước sẽ đầu tư cho các địa chỉ có hiệu quả nhất, phù hợp với định hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhà nước.

Ông Ngô Thế Chi cảnh báo: Hiện nay chưa thể giao tất cả quyền tự chủ cho tất cả các trường mà chỉ nên giao cho những trường thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể giao quyền tự chủ một cách tràn lan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.