'Không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả năm này qua năm khác'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
TPO - Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 3/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về câu chuyện rừng tự nhiên.

“Phục hồi rừng cũng phải từng bước”

Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin, đến nay tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, còn rừng trồng là 4,3 triệu ha.

“Đây là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân”, Bộ trưởng Cường khẳng định.

Tư lệnh ngành chứng minh, năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường.

Theo ông Cường, trong 4,3 triệu ha rừng, Việt Nam đã sản xuất ra nguyên liệu 30 triệu m3 gỗ để xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp. Năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản.

Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách hỗ trợ để bà con giữ rừng, ví dụ trước đây khoán 50 nghìn đồng/ha thì hiện đã nâng lên 250 nghìn đồng/ha.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa. Bởi giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung. “Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian, từng bước”, ông Cường khẳng định.

'Không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả năm này qua năm khác' ảnh 1
 

Để lòng tốt không bị lãng phí

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc che phủ rừng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu quan điểm trong tâm thế của một người vừa trở về từ miền Trung. Theo ông Hiếu, thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trên dải đất hình chữ S "nếu chúng ta không thay đổi".

“Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng, hay thủy điện cóc tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp phép mới”, đại biểu cho hay.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, phải thay đổi cách làm và nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. “Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết chúng ta đã làm, nhưng thay đổi trong tư duy không dễ. Đơn cử, khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khoe với khách đến nhà về cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương, lim, sến, táu…rồi tự huyễn hoặc gỗ này được nhập từ Lào, Miến, không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam”, ông nói.

“Tôi tin Việt Nam sẽ có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng và giàu lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh- Thủy Tiên. Đây là hình ảnh tôi gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn, gian khổ trên khắp đất nước.

Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, truyền thống của dân tộc ta, chỉ nên suy nghĩ tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng được nhân rộng”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Tuy nhiên theo đại biểu đoàn An Giang, không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác. Chính vì vậy, chúng ta phải có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt.

“Chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực”, ông Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.