Không thể áp đặt một tư duy kinh tế thô thiển

Cầu Long Biên-chứng tích lịch sử hơn một thế kỷ qua. Ảnh: như ý
Cầu Long Biên-chứng tích lịch sử hơn một thế kỷ qua. Ảnh: như ý
TP - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông rất quan tâm đến số phận của cây cầu Long Biên (Hà Nội). Theo Nhà sử học, chúng ta cần nhanh chóng tìm giải pháp tối ưu nhất để bảo tồn cây cầu lịch sử này.

“Đừng làm một việc sai lầm như đối với cầu Hiền Lương, phá dỡ cầu cũ đi rồi chuyển đến một nơi khác làm lại, mà bảo đó là cầu Long Biên!” – ông Dương Trung Quốc nói.

Cây cầu là bộ phận hữu cơ của di sản phố cổ

Cầu Long Biên rất quen thuộc, gắn với kỷ niệm của hàng triệu người dân trong hơn một thế kỷ qua. Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm, có ý kiến khác nhau xung quanh việc bảo tồn cây cầu lịch sử hơn 110 tuổi này. Là nhà sử học, ông có bình luận gì?

Mặc dù vẫn chưa có một bằng sắc nào công nhận di tích, nhưng tự thân đối với người Hà Nội đều coi nó là một di tích tiêu biểu nhất của Thủ đô, không những về tuổi thọ, công dụng mà còn về những kỷ niệm của nó. 

Ở đây, chúng ta không chỉ thấy cầu Long Biên là một công trình đặc biệt, khá kỳ vĩ về mặt kiến trúc ở đầu thế kỷ 20 về công nghệ xây dựng cầu mà còn là một nhân tố tác động trực tiếp để cho Hà Nội phát triển. 

Và một điều nữa, cũng hết sức quan trọng, cây cầu cũng là chứng tích lịch sử của quân dân thủ đô trong thời kỳ chiến tranh phá hoại. Cây cầu cũng chứng kiến đoàn quân của chúng ta tiến về giải phóng thủ đô, chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Vì vậy, chúng ta không thể coi cầu Long Biên chỉ là một hạ tầng cơ sở bình thường, để mà tùy ý cải tạo được.

Một trong những phương án xây dựng dự án đường sắt mới, đang được đề xuất, sẽ đi qua đúng vị trí cầu Long Biên hiện nay. Theo đó, có thể người ta sẽ phá cầu cũ để làm một cây cầu mới, đè lên đúng vị trí cầu Long Biên, thưa ông?

Xây dựng đường sắt là cần thiết, nhưng phải đặt việc xây dựng tuyến đường sắt đó trong một tầm nhìn lâu dài, đó là phải chuyển hẳn đường sắt ra ngoài trung tâm nội đô. Bây giờ làm quy hoạch Hà Nội, không thể theo quy hoạch của Hà Nội từ 100 năm trước, lúc đó Hà Nội có cả một khu phố cổ mà bây giờ chúng ta lúc nào cũng nói là phải bảo tồn. 

Không thể áp đặt một tư duy kinh tế thô thiển ảnh 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

“Tốt nhất cũng giống như Đàn Xã tắc trước đây, Hà Nội cần đưa vấn đề này ra họp bàn, chủ trì việc đó để tìm ra giải pháp tốt nhất, tìm sự đồng thuận cao nhất, có phải chuyện này xung đột đến mức độ không thể giải quyết được đâu”

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Vậy thì cầu Long Biên sẽ luôn là một bộ phận hữu cơ của di sản đó, chưa kể nó còn có một không gian gần như chưa được quan tâm đúng mức đó là bãi giữa sông Hồng. Nếu có cái nhìn tổng thể, chúng ta sẽ thấy ở đây có một tiềm năng du lịch rất lớn nếu được đầu tư vào, thay vì làm đường sắt đè lên trên. 

Nếu tôn trọng giá trị ấy, chúng ta không chỉ quan tâm được vấn đề bảo tồn mà đó còn là một phương thức phát triển của Hà Nội lâu dài, đối với cây cầu này. Nhưng tôi thấy tư duy của các nhà quản lý dường như chỉ muốn làm rẻ nhất, tiện nhất, nhanh nhất mà không thấy có một tầm nhìn xa hơn.

Và tôi cũng hết sức ngỡ ngàng, có những ý kiến hết sức kỳ quái là mang mấy cái nhịp cầu đó đến một chỗ khác dựng lại, làm bảo tàng, như là không có một sự hiểu biết gì về chuyện này. 

Chúng ta đã có bài học về cầu Hiền Lương, người ta dỡ cầu cũ, chuyển sang làm cầu hiện đại, rồi xây dựng một cái cầu giả ở bên cạnh, bảo đấy là cầu Hiền Lương. Làm sao chiếc cầu đó còn linh thiêng, còn tạo ra cảm xúc cho người dân được nữa?

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thông tin ban đầu, chưa có đề án cụ thể nào đưa ra tham khảo dư luận. Tôi cho rằng trong lúc này, nên công khai rộng rãi các phương án để nhân dân góp ý kiến. Những vấn đề quan trọng như thế, nhiều quốc gia người ta còn tiến hành trưng cầu dân ý đối với cộng đồng dân cư ở khu vực đó, để có giải pháp tốt nhất.

Phát triển gắn với kế thừa, bảo tồn

Cầu Long Biên được đánh giá như một di sản văn hóa, một di tích lịch sử tiêu biểu, độc đáo của Thủ đô. Nhưng việc bảo tồn, khai thác giá trị của nó để phát triển vẫn chưa được quan tâm. Theo ông, nên bảo tồn cây cầu này như thế nào?

Người làm quy hoạch phải nhận thức được những tác động xã hội, hãy chủ động lấy ý kiến của dư luận nhân dân đối với dự án này. Tôi tin người dân và cả giới chuyên môn hay người làm sử chúng tôi cũng đều rất thiện chí, mong thủ đô có quy hoạch tốt về giao thông. 

Để đưa ra một phương án tốt nhất đối với cầu Long Biên, phải gắn rất chặt yêu cầu về bảo tồn với phát triển, không phải bảo tồn là giữ nguyên như cũ, càng không phải phá cũ làm mới. Tôi muốn nhấn mạnh đến tiềm năng du lịch của cầu Long Biên là hết sức quan trọng. 

Với một Hà Nội nằm kề cận một khu vực có thể nói là một di sản như khu vực cầu Long Biên, không thể áp đặt một tư duy kinh tế có thể nói là thô thiển như vậy. Ta không thể cộng trừ nhân chia theo kiểu cái này của đế quốc, của phong kiến thì vứt đi mà phải có quan điểm về sự kế thừa trong phát triển.

Tại sao với một công trình như thế, chúng ta không tranh thủ dư luận xã hội, tham khảo ý kiến của các cơ quan tư vấn, các hội nghề nghiệp. Người ta sẽ tư vấn cho anh những điều tích cực để tạo cho anh sự đồng thuận cao.

Còn một điểm nữa dư luận cũng rất quan tâm: Cây cầu Long Biên hơn 110 năm tuổi, có giá trị văn hóa, lịch sử và ý nghĩa như vậy mà vì sao đến nay vẫn chưa được cấp bằng di tích/di sản ?

Tôi biết việc cấp bằng này rất phức tạp. Tôi đã hỏi cả Cục trưởng Cục Di sản rồi. Việc này phải do Hà Nội đề xuất. Cho nên chính lãnh đạo Hà Nội giờ đây phải trả lời việc này “Trong nhận thức của anh thì Cầu Long Biên là cái gì?” Cái mà xã hội đang quan tâm, đang chất vấn thì lãnh đạo Hà Nội phải lên tiếng. 

Chính lãnh đạo thủ đô là người có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của cầu Long Biên. Lúc nào anh cũng nhấn mạnh là phải bảo tồn di sản, phải gìn giữ những giá trị quý báu của thủ đô ngàn năm lịch sử, mà cuối cùng anh lại buông lửng như thế thì chính người dân cũng không thể nào hiểu nổi.

Cảm ơn ông!

Cầu Long Biên

Bên kia cầu, chùa Bồ Đề như chiếc nấm Linh Chi cổ đại

Cầu Long Biên gù lưng người phu già

Sớm chiều cõng chuông qua sông

Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội

Chiếc cầu đi suốt đời ta

Ròng ròng huyết mạch

Đầy vết đao binh lửa

Dạy ta vượt lên sóng gió

Làm người

Ba mươi năm

Ta lại đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ

Trong sớm thu dịu ngọt

Nghe sông Hồng vặn mình trong cát

Gió rít mỗi trụ cầu

Thấy màu mắt những anh hùng trong thép

Thấy những sóng người dào dạt

Trùng trùng lớp lớp đi xa…

Ta muốn nói lời chia tay

Với nghìn năm đang qua

Với Thăng Long từng ngày trẻ lại

Với chiếc cầu từng giờ hấp hối

Đang dang tay đón người đi bộ cuối cùng qua sông.

Rồi một ngày đẹp trời

Hà Nội tiễn người vào lịch sử

Tiếng chuông vang vang khắp bến Bồ Đề!

Nguyễn Khoa Điềm 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.