Đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, chỉ luân chuyển vào vị trí đứng đầu chứ không có chuyện tăng thêm các chức danh để luân chuyển, tránh những việc lợi dụng sơ hở để hợp thức hoá quá trình luân chuyển, làm cơ sở cho bổ nhiệm.
Không để người “chạy chức” lọt vào Trung ương
Theo ông Phạm Quang Hưng, số lượng cán bộ cấp chiến lược khoảng 600 người, bao gồm các cán bộ trong Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, bí thư và phó bí tỉnh ủy, chủ tịch UBND và HĐND tỉnh. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được xây dựng với cơ cấu 3 độ tuổi. “Vừa qua một số thứ trưởng được bổ nhiệm khi ở độ tuổi 40. Đây là nguồn tốt cho quy hoạch cán bộ cấp cao hơn trong tương lai”, ông Hưng cho biết.
Về tiêu chuẩn, ông Hưng cho hay, ngoài những yêu cầu chung của cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ cấp chiến lược phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan cách mạng, có ý chí và nghị lực, có khát vọng đưa đất nước phát triển, sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc có nhân dân, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại. Đặc biệt, cán bộ cấp chiến lược phải biết xây dựng và bảo vệ uy tín của Đảng cũng như hình ảnh của cá nhân, không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác.
“Nếu được Ban Chấp hành Trung ương thông qua thì đây sẽ là Nghị quyết đồng bộ nhất về công tác cán bộ, nhất là cấp chiến lược, cũng như việc kiểm soát quyền lực. Từ đó để các cơ quan tham mưu chuẩn bị công tác nhân sự đại hội nói chung, trong đó có Đại hội XIII của Đảng”, ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, tới đây sẽ phải tiến hành làm công tác quy hoạch để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư khóa tới. Đồng thời tổ chức các lớp dự nguồn cao cấp để chuẩn bị lựa chọn, tiến hành khảo sát nhân sự ở các cấp để làm sao chọn được những cán bộ ưu tú nhất, không để những người không xứng đáng, “chạy chức, chạy quyền” vào Ban Chấp hành T.Ư.
Sẽ sát hạch cả đầu vào, đầu ra
Đề cập đến việc có nhiều cán bộ vi phạm bị xử lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, ông Hưng cho hay, đây không phải là câu chuyện xuất hiện khuyết điểm, yếu kém ngay trong thời điểm này mà là kéo dài của những nhiệm kỳ trước đây. “Lần này với sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của T.Ư như nhiều lần Tổng Bí thư tuyên bố: “Chúng ta không có vùng cấm” trong việc xử lý cán bộ. Quyết tâm này đã được thể chế hoá bằng các quy định, quy chế được ban hành thời gian gần đây. Ngay cả quy trình cán bộ chúng ta cũng phải chấn chỉnh, ban hành kịp thời những quy định mới từ việc chấn chỉnh những sai lầm, khuyết điểm, những hạn chế yếu kém trong quy trình công tác cán bộ, từ quy trình 3 bước lên quy trình 5 bước”, ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ cũng được rà soát chặt chẽ, thẩm định hồ sơ nghiêm ngặt. Về luân chuyển cán bộ, theo ông Hưng, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định 98, quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan cử đi, cơ quan tiếp nhận, trách nhiệm của cán bộ luân chuyển. Theo đó, đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, chỉ luân chuyển vào vị trí đứng đầu chứ không có chuyện tăng thêm các chức danh để luân chuyển, tránh những việc lợi dụng sơ hở để hợp thức hoá quá trình luân chuyển, làm cơ sở cho bổ nhiệm.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, sắp tới đổi mới công tác đào tạo, sát hạch cả đầu vào đầu ra, chứ không để tình trạng “đánh trống ghi tên” cốt để có văn bằng chứng chỉ về làm cơ sở bổ nhiệm. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp trên, cấp dưới. “Vừa qua Bộ Chính trị ban hành những quy định rất là chặt chẽ, rà soát lại những cán bộ, tập thể, cá nhân có những sai phạm, những khuyết điểm trong việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Những trường hợp có sai thì thu hồi các quyết định để làm trong sạch, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với công tác tổ chức xây dựng đảng”, ông Hưng nhấn mạnh.