Chật vật kiếm sống, lấy ai đổi mới giáo dục - Bài cuối:

Không tăng lương, đổi mới giáo dục sẽ thất bại

Vấn đề tăng lương cho giáo viên rất bức thiết, chế độ tiền lương của nghề thấp không thể thu hút được người tài. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vấn đề tăng lương cho giáo viên rất bức thiết, chế độ tiền lương của nghề thấp không thể thu hút được người tài. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nếu không tăng lương để đảm bảo đời sống cho giáo viên, sẽ khó thu hút được người giỏi vào nghề sư phạm và lâu dài, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ thất bại. PGS TS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định.

PGS TS Vũ Trọng Rỹ nói: Việc tăng lương giáo viên được đề cập đến 20 năm nay nhưng chưa thấy thực hiện. Lương giáo viên lâu nay vừa thấp vừa rất bất hợp lý trong cách tính. Ví như giáo viên mầm non lao động vất vả 10 tiếng/ ngày như thế nhưng chỉ được nhận hệ số 1.86 tương đương mức lương từ 2-3 triệu đồng, thử hỏi làm sao họ lo được cuộc sống cho bản thân và gia đình?

Tôi khẳng định rằng, một khi cuộc sống thiếu thốn cơm áo, gạo tiền, con cái đau ốm chưa có thuốc men thì họ không thể yên tâm dạy học. Chứng kiến cuộc sống khó khăn của giáo viên với mức lương thấp còn thua cả công nhân tôi cho rằng, giáo viên đang là tầng lớp rất thiệt thòi trong xã hội.

Vì sao có cô giáo cống hiến hơn 30 năm trong trường mầm non, về hưu chỉ nhận được mức lương 1,3 triệu đồng. Thử hỏi họ làm sao yên tâm?

Không tăng lương, đổi mới giáo dục sẽ thất bại ảnh 1

Cách đây 4 năm, tôi có tiến hành khảo sát 526 giáo viên THPT ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại 5 tỉnh thành khắp Bắc, Trung, Nam, kết quả rất bất ngờ. Khi tôi hỏi nếu cho chọn lại bạn có tiếp tục chọn nghề giáo viên thì có tới 40,9% giáo viên tiểu học, 59% giáo viên THCS và 50,2% giáo viên THPT trả lời là không. Nhiều giáo viên mầm non cho rằng, nếu có công việc khác họ sẽ bỏ nghề vì chế độ quá thấp, lại chịu nhiều áp lực từ phía nhà trường, học sinh, cha mẹ học sinh.

Đi làm việc ở nhiều nước, tôi cũng thấy đúng là chế độ đãi ngộ giáo viên của nước mình là thấp nhất. Các quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Phần Lan họ tuyển chọn giáo viên rất khắt khe nhưng đổi lại họ trả mức lương tương xứng với sức lao động. Khi anh đảm bảo cho giáo viên mức sống tốt, khi đó anh mới đòi hỏi được họ phải cống hiến, phải đam mê việc dạy dỗ học sinh.

Tôi cho rằng, nếu ngân sách không đủ chi trả cho việc nâng lương giáo viên, chúng ta phải nghĩ ra phương án phụ cấp đứng lớp, phụ cấp theo cấp bậc, trình độ nào đó để cải thiện đời sống cho họ. Nếu không, sẽ khó thu hút được người giỏi vào nghề sư phạm và lâu dài, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ thất bại. Vì đội ngũ quyết định đến chất lượng giáo dục.

Không tăng lương, đổi mới giáo dục sẽ thất bại ảnh 2

GS VS Đào Trọng Thi:

“Cái khó là đội ngũ lớn”

Đề xuất tăng lương cho giáo viên được Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII năm 1996 khẳng định tuy nhiên đến nay đã 20 năm chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Sau đó, giáo viên cũng đã được cải thiện thu nhập hơn so với trước một bước là có chế độ phụ cấp đứng lớp. Nhưng phụ cấp thì không đáng kể và không có tính bền vững. Trong khi công việc của giáo viên không chỉ được tính bằng giờ giảng trên lớp mà họ làm rất nhiều việc liên quan cũng như soạn giáo án, chuẩn bị cho bài giảng hôm sau. Nghề giáo là nghề đặc thù, đa số thời gian họ dành phục vụ cho học sinh, trường lớp nhưng có thể khẳng định mức lương như hiện nay là có sự chênh lệch lớn với đời sống.

Tuy nhiên cái khó hiện nay là lực lượng giáo viên, quản lý giáo dục hiện nay đang có khoảng 1,4 triệu người. Nếu dùng ngân sách tăng lương cho giáo viên thì đồng nghĩa quỹ lương tăng lên rất lớn. Tuy nhiên, nếu đề xuất lần này được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua thì sẽ là một tiến bộ lớn trong chính sách đối với giáo dục.

Không tăng lương, đổi mới giáo dục sẽ thất bại ảnh 3

Nguyên thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: 

 “Tăng cường xã hội hóa giáo dục”

Chúng ta muốn đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thì bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải quan tâm đến cuộc sống của họ. Tôi lo lắng, ngân sách không đáp ứng đủ cho việc tăng lương vì đội ngũ nhà giáo hiện nay quá lớn. Nếu đề cập nhiều lần mà không được tăng thu nhập sẽ không tránh khỏi sự hụt hẫng đối với giáo viên. Vì vậy, theo tôi, cần áp dụng giải pháp là tăng cường xã hội hóa giáo dục bằng cách tạo cơ chế, chính sách cho cá nhân tham gia vào xây dựng trường lớp. Đặc biệt là khối mầm non, THPT từ đó chuyển khoảng 30% lượng giáo viên trong các trường công hiện nay sang hệ thống trường ngoài công lập. Chúng ta giữ nguyên quỹ lương đó để chi cho 70% số giáo viên còn lại. Giải pháp này có thể khả thi hơn đề nghị lấy ngân sách để tăng lương cho giáo viên.

Không tăng lương, đổi mới giáo dục sẽ thất bại ảnh 4 Photo: ..

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại: 

Lương thấp, không thu hút được người tài

Vấn đề tăng lương cho giáo viên rất bức thiết hiện nay bởi chế độ tiền lương của nghề thấp không thể thu hút được người tài, không thu hút được nam giới. Hiện, Hà Nội có tới 85% giáo viên là nữ, chỉ có 15% là nam giới. Vì nam giới là trụ cột gia đình, mà trụ cột đồng lương không lo được kinh tế cho vợ, con thì họ không theo. Điều này rất bất cập, khó khăn trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

Trưởng phòng tổ chức Sở GD&ĐT Lào Cai Trần Quang Vượng: 

 Nhiều giáo viên bỏ việc vì lương thấp

Ông Vượng cho rằng, đề xuất tăng lương cho giáo viên là rất cần thiết, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục. Theo ông Vượng, chỉ khi giáo viên yên tâm được với cuộc sống thì khi đó mới tập trung dạy tốt. Ông Vượng thông tin, liên quan đến chế độ tiền lương thấp, tại địa phương đã có nhiều giáo viên bỏ việc, con số này tăng nhanh theo năm.

Ví dụ năm 2015, Lào Cai mới chỉ có 5 giáo viên xin nghỉ việc nhưng tính đến tháng 10/2017 đã có tới 26 giáo viên xin nghỉ. Con số này có tính đột biến mà lý do chủ yếu là làm nghề giáo có mức thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.