Không phải cứ đào tạo là phòng chống tham nhũng được

TP - “Ở góc độ một đơn vị đào tạo có chức trách, nhiệm vụ cung cấp kiến thức nền tảng, những cách thức phòng chống tham nhũng (PCTN), còn việc áp dụng đòi hỏi phải có sự kết nối. Chứ không thể nói có một chương trình đào tạo PCTN là phòng chống được tham nhũng". PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ÐHQG Hà Nội nói trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong.

Vừa qua, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị Nhà nước và PCTN. Lý do để triển khai chương trình này là gì, thưa bà?

Theo định hướng chung của ĐHQG Hà Nội, các trường, khoa thành viên luôn phải tiên phong trong mọi lĩnh vực. Trong những năm gần đây, vấn đề về PCTN nổi lên không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, một số quốc gia đã đào tạo các vấn đề liên quan đến PCTN, đến quản trị nhà nước. Ví dụ ở Anh, Áo, Malaysia, kể cả ở Trung Quốc và một số quốc gia khác cũng đã có những chương trình đào tạo thạc sĩ và các chương trình đào tạo khác. Ở Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, quản trị nhà nước và PCTN đang được Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm.

Không phải cứ đào tạo là phòng chống tham nhũng được ảnh 1

PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật ÐHQG Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm, có quyền hạn triển khai các hoạt động PCTN, kể cả những cơ quan liên quan đến giáo dục về PCTN, cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, các cơ quan điều tra, các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, các trường đại học... đều có nhu cầu về nguồn nhân lực có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực PCTN cả về học thuật và thực tiễn.

Trong khi đó, chưa có cơ sở đào tạo nào đưa ra chương trình đào tạo bài bản, hệ thống về PCTN. Việc tự học, tự nghiên cứu qua những khóa đào tạo ngắn hạn, tập huấn có thể cung cấp một số kiến thức nhưng nhu cầu về kiến thức chuyên sâu, nền tảng, có hệ thống, đặc biệt là cung cấp nhân lực cho các cơ quan rõ ràng chưa đáp ứng được. Một lý do nữa là theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ những năm 2009 - 2013, yêu cầu phải đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là các trường đào tạo về luật. Ngay từ 2012, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đã đưa môn học về PCTN vào chương trình đào tạo cử nhân. Khoa cũng có một quá trình chuẩn bị công phu, bài bản để đến giờ có thể triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ về Quản trị nhà nước và PCTN. 

Vậy chương trình này sẽ tuyển sinh ra sao, giảng dạy thế nào, thưa bà?

Chúng tôi có 6 năm chuẩn bị những điều kiện đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, học liệu, nguồn nhân lực, những hoạt động phụ trợ như nghiên cứu. Ngoài ra còn chuẩn bị đủ về cơ sở vật chất, tổ chức đội ngũ quản lý... Khoa Luật cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ cán bộ giảng dạy có học hàm, học vị cao. Khoa cũng thu hút được các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về PCTN.

Ngoài ra, hiện nay, Khoa cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có đội ngũ giáo sư đến từ nhiều trường ĐH trên thế giới tham gia giảng dạy. Dự kiến trong những giai đoạn tiếp theo, sau khi đã đào tạo chương trình thạc sĩ, nếu kết quả tốt, xã hội có nhu cầu thì có thể phát triển việc đào tạo lên, ví dụ như bậc tiến sĩ.

Năm nay, chương trình thạc sĩ về Quản trị nhà nước và PCTN được ĐHQG Hà Nội giao 25 chỉ tiêu. Sau khi chương trình được công bố, có rất nhiều người quan tâm, từ phía các cơ quan nhà nước về PCTN. Có thể họ sẽ cử người đi học. Cùng với đó, các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước nói chung, thậm chí truyền thông báo chí rất quan tâm. Theo tôi biết, đã có người đăng ký học chương trình này. Thời gian đăng ký còn đến hết ngày 31/8.

Cảm ơn bà!

Không thể nói có một chương trình đào tạo PCTN là phòng chống được tham nhũng. Ðó là một quan điểm rất sai. Tất cả hoạt động trong xã hội đều phải có cách nhìn nhận sâu, rộng, hệ thống, bài bản. Rõ ràng đây là hoạt động góp một phần vào công cuộc PCTN. Còn phần đó góp được như thế nào lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa.

MỚI - NÓNG