Chống tham nhũng: Thanh lọc bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư

Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên phó Tổng giám đốc PVC bị tuyên án tội “Tham ô tài sản”. Ảnh nguồn: Dân Việt.
Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên phó Tổng giám đốc PVC bị tuyên án tội “Tham ô tài sản”. Ảnh nguồn: Dân Việt.
TP - “Chống tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật không thể làm co lại mà chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Chống tham nhũng cũng đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, giảm các thủ tục hành chính, chống tình trạng lót tay, bôi trơn…”, ông Lê Như Tiến (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với Tiền Phong về vấn đề phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.

Ngăn chặn tẩu tán tài sản, cao chạy xa bay

Vốn được coi là “đại biểu chống tham nhũng”, ông nhìn nhận đánh giá gì về kết quả phòng chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua?

Có thể nói trong thời gian vừa qua, đặc biệt những năm gần đây công cuộc PCTN đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư ra thông báo kết luận về vụ việc nào đó, lập tức các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đã vào cuộc. Quốc hội, các cơ quan dân cử đã làm thủ tục bãi nhiệm những người có dấu hiệu tham nhũng phải xem xét kỷ luật, hoặc truy tố. Rồi các cơ quan Chính phủ, cơ quan hành pháp đã có những bước xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn thấp. Trong báo cáo của Chính phủ, tiền thu hồi được mới chỉ đạt hơn 8%, đất đai chưa đến 50%, như thế là rất thấp. Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta, ngoài xử lý đúng người, đúng tội đối với quan chức “nhúng chàm”, điều quan trọng hơn là phải thu hồi được tài sản về cho nhân dân, cho nhà nước. Bởi suy cho cùng, đó cũng chính là tiền thuế của nhân dân và là tài sản của nhà nước. Lẽ ra trong thời gian qua chúng ta phải có những biện pháp rốt ráo hơn, tích cực hơn để thu hồi tài sản.

Theo ông vì sao kết quả này vẫn chưa đạt được như mong đợi và cần phải làm gì để công tác PCTN đạt hiệu quả cao hơn?

Những kẻ tham nhũng thường rất mưu mô quỷ quyệt. Họ thường dịch chuyển tài sản bằng nhiều con đường khác nhau, ví dụ như gửi ra các nhà băng nước ngoài, rồi chuyển dịch tài sản cho con cháu, người thân. Cho nên đến khi bị truy tố, dường như tài sản của họ không có bao nhiêu. Cơ quan công quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải tinh thông hơn nữa về việc này, phải có những biện pháp ngăn chặn ngay từ xa.

Quy trình tố tụng của chúng ta thường rất chặt chẽ, nhưng lại rất chậm. Trong khi chỉ cần khởi tố vụ án thôi, chưa cần khởi tố bị can thì tài sản đã bị phân tán, chuyển dịch qua rất nhiều con đường lắt léo khác nhau, thậm chí đối tượng đã cao chạy xa bay như hàng loạt trường hợp trong thời gian qua. Bên cạnh cái được trong thời gian qua thì biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa vẫn chưa được như mong muốn và việc thu hồi tài sản cũng còn rất thấp. Đó là những điều cần phải rút kinh nghiệm.

Cùng với đó, phải làm sao để phát huy vai trò của các tổ chức, công dân cùng vào cuộc PCTN và có cơ chế bảo vệ họ. Tuy nhiên chúng ta lại chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo, tố giác, phát hiện tham nhũng. Nếu không có cơ chế tốt thì đôi khi người tố cáo tham nhũng lại trở thành nạn nhân của những kẻ tham nhũng. Bởi những kẻ tham nhũng thường không từ một âm mưu, thủ đoạn quỷ quyệt nào.

Ngoài ra cũng cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án, hạn chế tồn đọng án kéo dài. Thực tế còn rất nhiều vụ trọng án tồn đọng nhiều năm, dẫn đến tài sản bị thất thoát, mà đối tượng lại dễ tẩu thoát ra nước ngoài…

Chống tham nhũng không trói buộc DN

Bên cạnh đa số các ý kiến đồng tình, vẫn còn những băn khoăn rằng, chống tham nhũng quá mạnh sẽ làm nảy sinh tâm lý sợ hãi mà co lại, không dám bung ra, dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế?

Không phải vậy. PCTN theo đúng quy định của pháp luật không thể làm co lại mà chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đều kiên quyết PCTN. Nếu không thì bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước sẽ bị thâm thủng, rơi vào túi kẻ tham nhũng, rơi vào tay lợi ích nhóm hết.

Chống tham nhũng cũng đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, giảm các thủ tục hành chính. Rồi chống tham nhũng cũng chính là chống tình trạng lót tay, bôi trơn để làm cho các doanh nghiệp được cởi mở hơn, không bị trói buộc, phát triển tốt hơn, doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước cũng thế.

Tại sao doanh nghiệp nước ngoài họ nói vào Việt Nam thường sợ nhất hai việc: Thủ tục hành chính rườm rà, pháp luật không minh bạch và hiện tượng lót tay, bôi trơn rất nhiều? Cứ phải có cái gì đó mới được ký tá, phê duyệt, đó chính là cơ chế xin cho. PCTN chính là phòng chống lợi ích nhóm, phòng chống cơ chế xin cho, bôi trơn, lót tay, gây phiền hà doanh nghiệp.

Như vậy chống tham nhũng chỉ kích thích sự phát triển chứ không phải hạn chế, kìm hãm như một số ý kiến băn khoăn lo ngại. Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đã có bước đột phá, cao nhất trong 10 năm qua theo báo cáo của Chính phủ. Nhìn chung, chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ và sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua không hề có sự mâu thuẫn.

Thi cử cạnh tranh, ngăn ngừa “tham nhũng quyền lực”

Một trong những mục tiêu quan trọng trong PCTN là chống chạy chức, chạy quyền. Theo ông, chống “tham nhũng quyền lực” có phải là vấn đề cấp thiết hiện nay?

Ngay nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII, tôi cũng đã nói rằng, trong nhiều loại tham nhũng thì có tham nhũng quyền lực. Đó là tình trạng bỏ tiền ra mua chức mua quyền, chạy chức chạy quyền. Ở đây có đối tượng chạy và đối tượng nhận chạy. Như vậy phải có đối tượng có chức quyền thì mới ban phát được chức quyền cho người khác.

Vậy thì chạy chức, chạy quyền phải chống ngay từ những cơ quan có thể dễ dàng tạo điều kiện để chạy chức, chạy quyền. Đó là các cơ quan có trách nhiệm trong việc gác gôn trong tổ chức cán bộ của các bộ, ngành, địa phương.

Điều quan trọng khác phải kể đến là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức. Tôi vẫn nhắc lại điều này, bởi người đứng đầu mà trong sáng, vô tư thì họ sẽ lựa chọn được người xứng đáng, vừa có tâm vừa có tầm. Chính vì thế, thay vì tiến cử, giới thiệu phải thực hiện bằng thi cử và tranh cử cạnh tranh. Hội đồng thi cử cũng phải là những người có uy tín, trong sạch, không liên quan gì đến những người sẽ đưa vào chức vụ đó.

Thực tế trong thời gian qua, một số bộ, ngành, tỉnh thành đã làm rất tốt việc thi cử, bổ nhiệm chứ không phải chỉ giới thiệu một người, rồi bổ nhiệm luôn người đó. Nếu công tác cán bộ mà vô tư trong sáng, không vụ lợi thì công tác cán bộ sẽ ngày càng tốt hơn.

Còn công tác xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian qua, theo ông như vậy đã thực sự nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa?

Có thể nói việc xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua cũng đã khá nghiêm rồi. Nhưng phần lớn số vụ việc lại chỉ xử lý chính người được đề bạt, bổ nhiệm không đúng, còn người ký quyết định đề bạt bổ nhiệm đó lại còn đang để trống.

Tôi ví dụ ở một tỉnh miền Trung, một giám đốc sở bị xử lý, không cho giữ chức giám đốc sở đó nữa. Thế nhưng cái quan trọng hơn là cả cấp ủy đó, rồi những người đứng đầu tỉnh trong việc ký quyết định ấy lại xử lý ở mức chưa đảm bảo tính răn đe. Hoặc như bộ trưởng bổ nhiệm lãnh đạo cấp cục, vụ, cấp phòng chưa đúng, chưa chuẩn thì mới chỉ dừng lại ở việc thu hồi quyết định đó.

Thu hồi quyết định thì đúng rồi, nhưng lẽ ra phải xem xét xử lý kỷ luật nghiêm đối với những người ra quyết định, đó là người đứng đầu bộ ngành đó. Như vậy mới đảm bảo tính răn đe cao hơn, để sau này không còn ai dám lạm dụng, làm không đúng quy trình, không đúng quy định trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Cảm ơn ông.

“Tại sao doanh nghiệp nước ngoài họ nói vào Việt Nam thường sợ nhất hai việc: Thủ tục hành chính rườm rà, pháp luật không minh bạch và hiện tượng lót tay, bôi trơn rất nhiều? Cứ phải có cái gì đó mới được ký tá, phê duyệt, đó chính là cơ chế xin cho. Phòng chống tham nhũng chính là phòng chống lợi ích nhóm, phòng chống cơ chế xin cho, bôi trơn, lót tay, gây phiền hà doanh nghiệp”.

“Quy trình tố tụng của chúng ta thường rất chặt chẽ, nhưng lại rất chậm. Trong khi chỉ cần khởi tố vụ án thôi, chưa cần khởi tố bị can thì tài sản đã bị phân tán, chuyển dịch qua rất nhiều con đường lắt léo khác nhau, thậm chí đối tượng đã cao chạy xa bay như hàng loạt trường hợp trong thời gian qua”.

“Tôi ví dụ ở một tỉnh miền Trung, một giám đốc sở bị xử lý, không cho giữ chức giám đốc sở đó nữa. Thế nhưng cái quan trọng hơn là cả cấp ủy đó, rồi những người đứng đầu tỉnh trong việc ký quyết định ấy lại xử lý ở mức chưa đảm bảo tính răn đe”.

MỚI - NÓNG