Xét tốt nghiệp: Giao cho trường
Với vai trò quan trọng và tác động của kỳ thi tới hơn một triệu HS, khâu tổ chức các cụm thi đang có những ý kiến trái chiều. Theo dự thảo của Bộ, chỉ tổ chức một loại cụm thi đặt tại các tỉnh, TP thay vì phân thành 2 loại cụm thi (một đặt tại địa phương, dành cho thí sinh (TS) chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp; một do trường ĐH tổ chức, dành cho TS có nguyện vọng học ĐH, CĐ) như đã công bố cách đây vài tháng.
Mỗi cụm thi đảm đương việc tổ chức thi cho ít nhất TS của 2 tỉnh, do các trường ĐH chủ trì. Điều chỉnh này được hầu hết các trường, giáo viên đồng tình, vì cho rằng là cần thiết đối với năm đầu tiên thực hiện kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, việc Bộ GD&ĐT chủ trương xem xét cho các tỉnh có điều kiện khó khăn tổ chức cụm thi riêng tại địa phương là cần thiết, song không nên quy định đây chỉ là cụm thi dành cho TS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho rằng, đối với TS không có nguyện vọng thi ĐH, CĐ, Bộ nên giao cho các trường tổ chức thi. “Có thể tổ chức thi như thi hết học kỳ, cuối năm học, gọn nhẹ nhưng nghiêm túc. Lấy điểm kỳ thi này để làm Chứng chỉ công nhận tốt nghiệp (chứng chỉ này không có giá trị thi tuyển ĐH, CĐ) và được chấp nhận để vào học trung cấp nghề, đi làm công nhân” – ông Dũng đề xuất.
Còn nếu TS muốn vào ĐH, các chuyên gia khẳng định, phải tuyển chọn thật kỹ lưỡng để đỡ phải đào tạo lại. Bởi, hiện có nhiều trường ĐH, mỗi trường lại mở ra nhiều ngành nghề, trường nào cũng tuyển vào ồ ạt, “đầu ra” không có việc làm… như thế không phù hợp với thực tế. Nghĩa là, đã thi ĐH là phải thật nghiêm túc, còn xét tốt nghiệp nên giao cho các trường thực hiện.
Tổ chức cụm thi: Chia theo tỉnh
Nói về chủ trương có cụm thi riêng cho TS chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp, đa số giáo viên và lãnh đạo các trường đều đồng tình, chỉ nên để một loại hình cụm thi, để đảm bảo quyền lợi cho TS. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, HS học xong THPT đều bình đẳng khi thi tốt nghiệp.
Vì vậy, thay vì tổ chức 34 cụm thi, nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm để HS đỡ phải di chuyển xa. “Xã hội chưa tin tưởng nếu giao cho các sở GD&ĐT chủ trì cụm thi. Tuy nhiên, độ tin cậy của kỳ thi dựa vào 3 yếu tố là đề thi, tổ chức thi và chấm thi. Đề thi là đề chung do Bộ GD&ĐT nên có thể tin tưởng về độ an toàn và bảo mật.
Về tổ chức thi, Bộ có thể chọn ra 63 trường ĐH, mỗi trường có nhiệm vụ chủ trì một cụm thi” – ông Trần Xuân Nhĩ phân tích. Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm còn khẳng định, việc đặt cụm thi tại một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và giao cho các trường ĐH chủ trì là có thể bảo đảm sự khách quan, công bằng và nghiêm túc trong kết quả thi. Tuy nhiên, chủ trương này lại “đẻ” ra vấn đề: Đối với các tỉnh khó khăn sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp.
Đặt giả thiết, nếu những TS thi tại cụm thi tỉnh sau khi có kết quả thi lại có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH, CĐ thì sẽ xử lý như thế nào? Như vậy, cần tránh tình trạng phân biệt cụm này chỉ dành cho TS thi tốt nghiệp THPT, cụm kia dành cho TS dự tuyển vào ĐH, CĐ; nên mở ra nhiều cơ hội học tập cho tất cả TS, không nên hạn chế quyền lợi của TS.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm lợi ích tối đa cho TS, Bộ GD&ĐT với tinh thần cầu thị sẽ nghiêm túc lắng nghe các luồng ý kiến, chắt lọc nội dung để hoàn thiện Quy chế, bảo đảm hướng tới tổ chức thành công kỳ thi năm 2015.