TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đổi mới học tập, thi cử là điều cần thiết trong giai đoạn học sinh đang chịu nhiều áp lực học hành hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nhĩ, kỳ thi THPT quốc gia 2015 với hai mục đích bộc lộ nhiều khuyết điểm, dư luận đã nói rất nhiều, ngành giáo dục nên lắng nghe, có giải pháp và không nên bảo thủ.
Ông Nhĩ chỉ ra những hậu quả nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1. Cụ thể, việc cho thí sinh thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ và lựa chọn một môn học sẽ dẫn đến học lệch.
“Ngay khi bước vào THPT, nhiều học sinh sẽ chỉ học 4 môn để tốt nghiệp cùng lắm là 6 môn để thi đại học, những môn như Lịch sử sẽ ngày càng ít người học”, TS Nhĩ nói. Bên cạnh đó, việc buộc phải đăng ký vào các ngành học không đúng nguyện vọng, sở thích như kỳ thi 2015 sẽ dẫn đến nguồn nhân lực trong ít năm tới không đạt như mong muốn.
Là người làm giáo dục ở cơ sở, PGS Văn Như Cương cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT không lắng nghe dư luận thì “hai trong một không chột cũng què”. Theo ông Cương, lồng mục đích thi tốt nghiệp trong kỳ thi chung là vô nghĩa bởi điều kiện để đạt tốt nghiệp của học sinh là tính điểm học tập lớp 12 cộng điểm thi.
Trong khi, điểm thi mỗi môn, thí sinh chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ. Với điều kiện như vậy, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp rất cao, các trường cũng có thể sửa điểm, nâng điểm học sinh để tránh bị trượt. “Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm tổ chức kỳ thi rầm rộ, kéo dài tới 4 ngày mà nên giao cho các Sở GD&ĐT, các trường tự thi tốt nghiệp”, ông Cương nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô Võ Thế Quân đánh giá ngành giáo dục phớt lờ dư luận tiếp tục sáp nhập 2 kỳ thi vào 1 là một sai lầm bởi hai kỳ thi với hai mục đích khác nhau không thể gượng ghép vào một.
Giải pháp tránh học lệch
“Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm tổ chức kỳ thi rầm rộ, kéo dài tới 4 ngày mà nên giao cho các Sở GD&ĐT, các trường tự thi tốt nghiệp”.
PGS Văn Như Cương
Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, năm tới, Bộ GD&ĐT nên tách riêng hai kỳ thi. Trong đó, việc thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức. Nếu Bộ không yên tâm về công tác tổ chức thì nên ra đề và quy chế thi. Về môn thi, không nên để học sinh thi 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn mà nên thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổng hợp kiến thức tự nhiên, một bài thi tổng hợp kiến thức xã hội. Như vậy sẽ rất phù hợp với việc đổi mới nội dung, phương pháp học tập như hiện nay, học sinh sẽ không học lệch, đảm bảo trình độ, sự hiểu biết của một học sinh tốt nghiệp THPT.
Ông Hồ Quang Diệu, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nào cũng có tỉ lệ thí sinh đỗ rất cao. Có năm, nhiều địa phương tỉ lệ đỗ tới 98-99%. Vì thế, giải pháp giao cho các địa phương tự thi hoặc xét tốt nghiệp là điều cần thiết. “Tổ chức một kỳ thi tốn kém tiền bạc, công sức mà không đem lại hiệu quả thì không nên tổ chức”, ông Diệu khẳng định.
Nguyễn Thanh Tuấn
Theo ý kiến của tôi + Nêu bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì kỳ thì này không mang được nhiều ý nghĩa, hàng năm tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cả nước cũng đã lên tới hơn 80% rồi gần như kỳ thì này chỉ mang hình thức. Siết chặc lại kỳ thi học kỳ 3 năm học phổ thông 10, 11, 12, Nghiêm túc cách xét hạnh kiểm đạo đức của 3 năm học THPT. Với những học sinh nào thật sự cá biệt, quậy phá, đánh nhau, đạo đức yếu, kém thì buột thôi học, học sinh học lực yếu kém thì cho lưu ban học lại còn lại cho tốt nghiệp THPT hết như vậy vừa rèn luyện tính cách, nhân phẩm đạo đức của học sinh vừa tiết kiệm chi phí thi cử vừa có tính nhân văn. Dù thế nào một học sinh đã trải qua 12 năm đèn sách mà cũng có chút ít cố gắng trong học tập dù không được tốt lắm đi nữa thì chúng ta cũng nên cấp bằng tốt nghiệp THPT. + Giữ nguyên kỳ thi đại học 3 chung như trước đây. Kỳ thi này sẽ sàn lọc ra các học sinh có các trình độ khác nhau vào các trường đại học, cao đăng, trung cấp, học nghề. Kỳ thì đại học này rất quan trọng phải thật sự nghiêm túc. Tránh trường hợp học sinh nào cũng có thể vào đại học, cao đẳng như những năm gần đây học sinh thi chỉ được 3, 4 điểm vẫn vào học đại học như bình thường. quản lý chặt chẽ việc tuyển sinh của các trường Dân Lập, tuyển sinh ồ ạt, cộng điểm ưu tiền vô tội vạ để đủ điểm sản của Bộ quy định. Như vậy chúng ta sẽ hạn chế được trường hợp sau này thầy nhiều hơn thợ như tinh trang mấy năm gần đây. Sinh viên Đại Học, Cao Đẳng ra trường không có việc làm lãng phí sức lực và tiền tài của xã hội và cũng ảnh hưởng tới việc lựa chọn nhân tài. + Một gia đinh khá giả có con học yếu, kém vẫn vào học được Đại Học với một trường ĐH Dân Lập, khi ra trường bố mẹ lo cho một công việc tốt. Một gia đình nghèo khó có con học giỏi cố gắng vay tiền bạc cho con học Đại Học tốt nhưng khi ra trường lại thất nghiệp. Gia đình nghèo lại càng khổ hơn đó là tình trạng đại học hiện nay. Đó là một số ý kiến của cá nhân tôi.
Thích Trả lời