Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn:

Không nên gọi 'lạm phát' cấp phó

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
TP - Trao đổi với Tiền Phong bên lề Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, có cơ quan, tổ chức số lượng cấp phó tăng so với quy định, nhưng cũng có đơn vị không sử dụng hết số lượng cấp phó theo quy định.

Trên diễn đàn Quốc hội từ “lạm phát” cấp phó được nhiều lần nêu lên, theo ông việc “lạm phát” cấp phó do đâu?

Tôi không đồng tình với việc sử dụng cụm từ “lạm phát”. Vì sử dụng như vậy là chưa chính xác về mặt chuyên môn và về từ ngữ cũng không chuẩn. Thực tế cho thấy, ở một số cơ quan, tổ chức đúng là cấp phó có cao hơn so với quy định. Vấn đề này có nguyên nhân khách quan, không phải đơn thuần chỉ có ý kiến một chiều cho rằng do chủ quan. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu và tổng hợp qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương gửi về. Kết quả cho thấy, số lượng cấp phó hiện có ở các cơ quan, tổ chức khác nhau là không đồng đều. Có cơ quan, tổ chức có số lượng cấp phó tăng so với quy định, nhưng cũng có cơ quan, tổ chức không sử dụng hết số lượng cấp phó theo quy định. Điều đó chứng tỏ có cơ quan, đơn vị khi thấy nhu cầu công việc chưa cần thiết thêm cấp phó nên không bổ sung, chỉ có 1 hoặc 2 cấp phó thôi.

Như tại Bộ Nội vụ, hiện nay có 4 thứ trưởng, đúng theo quy định của Nghị định 36/2012/NĐ-CP. Với các cấp cục, vụ, cho đến thời điểm này, nhiều đơn vị thuộc và trực thuộc chưa bổ nhiệm hết số lượng cấp phó đã được quy định.

Tuy nhiên, có những đơn vị do yêu cầu công việc, yêu cầu quản lý, để có thể giúp cấp trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao thì số lượng cấp phó có tăng lên so với quy định.

Nguyên nhân do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hợp nhất một số cơ quan, tổ chức, chúng ta cần phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng các cấp phó đang hiện hữu nên cấp phó sẽ vượt so với quy định. Ngoài ra, việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, để cấp phó có thể giúp cho cấp trưởng được hiệu quả, rất cần những chuyên gia để quản lý, phụ trách giúp cấp trưởng một số lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên ngành. Thêm vào đó, thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thì việc bổ sung thêm cấp phó để đưa những cán bộ đã được quy hoạch đi rèn luyện, tạo nguồn cho tương lai cũng là điều rất cần thiết. 

Có ý kiến lãnh đạo một bộ cho rằng cần nhiều cấp phó để có người đi họp, ông nghĩ sao?

Tôi chưa thấy có văn bản nào quy định việc bổ sung thêm cấp phó để có người đi họp. Và cũng không nên suy nghĩ như vậy. Cấp phó sinh ra là để giúp cấp trưởng thực hiện nhiệm vụ.

Còn về quy định chức danh “hàm”, ông nghĩ sao khi có đơn vị 20 người thì có 3 hàm vụ trưởng, 10 hàm vụ phó?

Bổ nhiệm “hàm” là để đảm bảo vị thế, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc. Chúng ta không nên có cái nhìn một chiều phê phán việc bổ nhiệm “hàm” hoặc có cơ quan tăng cấp phó, mà nên có một góc nhìn khác về bổ nhiệm “hàm”, tăng cấp phó vì trong một số điều kiện, hoàn cảnh như hợp nhất tổ chức, “giữ chân” người giỏi,... thì đó cũng có lẽ là cần thiết.

Thế nhưng cơ quan quá nhiều cấp phó sẽ dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ và khó quy trách nhiệm?

Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm chính. Bởi, trong một tổ chức, việc điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo trong từng cơ quan, đơn vị đều do người đứng đầu chỉ đạo, quyết định, tổ chức thực hiện. Do vậy sẽ không có chuyện cơ quan nhiều cấp phó, người đứng đầu sẽ không làm gì, sẽ phân hết cho cấp phó, sau này có việc gì xảy ra chỉ có cấp phó chịu. Điều đó không hoàn toàn đúng.

Hiệu lực, hiệu quả của mỗi cơ quan, đơn vị cao hay thấp đều phụ thuộc vào người đứng đầu. Cấp phó dù đủ hay chưa đủ số lượng quy định đều dưới sự chỉ đạo, phân công công việc của người đứng đầu.

Thế nhưng tăng cấp phó nhiều thì cũng dẫn đến lãng phí bởi đi kèm đó là xe ô tô, thư ký, giúp việc?

Đúng vậy! Tăng cấp phó quá nhiều chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí về công sở, thiết bị, về ngân sách. Thêm một cấp phó là phải bố trí phòng làm việc, bố trí phương tiện đi lại hoặc các phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Tuy nhiên, khi nói đến lãng phí thì lãng phí lớn nhất là việc không phân công, phân nhiệm rõ ràng, không sử dụng đúng người có năng lực, là việc tổ chức thực hiện công việc không khoa học, hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức trong phục vụ nhân dân, đấy mới là cái lãng phí lớn nhất mà không thể đo lường được.

Vậy để xảy ra tình trạng đa số các bộ có cấp phó vượt quy định, trách nhiệm của Bộ Nội vụ ra sao?

Bộ Nội vụ không lẩn tránh trách nhiệm. Dưới góc độ được giao giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ có một phần trách nhiệm đối với việc số lượng cấp phó tăng lên ở trong một số cơ quan, đơn vị mà dư luận đang nêu.

Bộ Nội vụ đang lắng nghe các ý kiến của dư luận, nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, quy định số lượng cấp phó ở từng cấp, từng cơ quan, từng lĩnh vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với từng giai đoạn, từng điều kiện cụ thể, đồng thời có giải pháp để quản lý chặt chẽ cấp phó.

Cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.