Bổ sung quy định về cấp phó, chức danh “hàm”

Sở Công thương Hà Nội có 5 Phó Giám đốc Sở. Ảnh: Thành Đinh.
Sở Công thương Hà Nội có 5 Phó Giám đốc Sở. Ảnh: Thành Đinh.
TP - Chiều 28/11, hơn 90% đại biểu Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8. QH yêu cầu bổ sung các quy định pháp luật về cấp phó và chức danh “hàm” trong các cơ quan nhà nước. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ trước đó, một số đại biểu hỏi về tình trạng lạm phát cấp phó và chức danh “hàm”.

Cụ thể, Nghị quyết của QH yêu cầu khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, sớm xây dựng và triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh “hàm”. 

  

Các bộ, ngành liên quan phải phối hợp rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo, quản lý. Nghiên cứu đổi mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác thi tuyển công chức, viên chức đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, chất lượng trong công tác tuyển dụng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong hoạt động công vụ.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, QH yêu cầu phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A vào cuối năm 2015 đảm bảo chất lượng; tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát tiêu chí, định mức về đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông, đảm bảo phù hợp với yêu cầu công trình, dự án, tránh lãng phí... Kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5% đến 10% so với năm trước trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. 

QH cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo chuyển biến tích cực trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT soạn thảo một bộ sách giáo khoa

Cùng ngày, gần 80% đại biểu QH tán thành thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT,SGK) giáo dục phổ thông.
Theo UBTVQH, đa số ý kiến đại biểu tán thành chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông khả thi, thống nhất trong cả nước nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Hiện nay, chúng ta đang có một chương trình và một bộ SGK dùng chung cho cả nước. Thực tế cho thấy, việc này bộc lộ một số hạn chế như nội dung SGK chưa phù hợp với đối tượng học sinh các vùng, miền và thực tiễn các địa phương, chưa phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên và các nhà trường.

QH nhất trí với đề nghị của Chính phủ xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông, thống nhất trong cả nước nhưng mềm dẻo. 

Chương trình giáo dục phổ thông có phần chung là những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Vì đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, yêu cầu kinh tế - xã hội và điều kiện của các cơ sở giáo dục ở các vùng miền khác nhau của đất nước rất đa dạng nên cần phải có phần “mềm dẻo” trong chương trình để các địa phương bổ sung những nội dung đặc thù và nhà trường vận dụng phù hợp. Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh để bảo đảm tính khả thi.   

Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK phổ thông, nhiều đại biểu tán thành chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn và nhất trí Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. 

Để chủ động có được chương trình, sách giáo khoa đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình chung, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhằm bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải khoa học, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng. 

Phê chuẩn Nghị quyết về Công ước chống tra tấn

Sáng 28/11, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Công ước chống tra tấn là điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Do đó, để thực hiện Công ước thì Việt Nam cần nội luật hóa quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật, nhất là đối với các quy định của Công ước mà pháp luật Việt Nam chưa quy định. 

Cùng ngày, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật. 

N. Tuấn


MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.