Thưa ông, việc địa phương nào cũng có cụm thi ĐH tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng dư luận cũng không khỏi lo về sự công bằng khi cụm thi trải đều trên cả nước, năng lực tổ chức của các trường cũng khác nhau?
Ở tất cả các cụm thi, công tác tổ chức thi, đề thi, chấm thi đều như nhau. Nơi có khó khăn, lần đầu tiên tổ chức thi, Bộ GD&ĐT đã cử các trường ĐH có nhiều kinh nghiệm, uy tín về chủ trì cụm thi ĐH. Với kỳ thi do Sở GD&ĐT cũng có các trường ĐH phối hợp.
Ở cả hai loại cụm thi đều có cán bộ của trường ĐH và của sở GD&ĐT tham gia coi thi. Các đoàn thanh tra cũng tổ chức thanh tra lưu động tại tất cả các cụm thi trên cả nước. Ngoài ra còn có thanh tra của các địa phương, các trường ĐH, bộ ngành, thanh tra ngay hội đồng thi. Việc phối hợp này để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Nhưng liệu cụm thi ĐH tổ chức tại địa phương có sợ địa phương “tác động”, lấn át quyền lực tổ chức thi, thưa ông?
Điều đó không thể xảy ra. Cụm thi tổ chức tại thị xã, tỉnh lị do trường ĐH đứng ra tổ chức hoàn toàn. Tại các phòng thi, giám thị số 1 là của các trường ĐH. Sau đó, chấm thi trường ĐH mang bài thi về trụ sở tổ chức chấm thi. Quy trình chặt chẽ giống như chấm thi ĐH trước đây. Tỉnh chỉ tham gia công tác phối hợp. Địa phương không tham gia vào tất cả hoạt động chuyên môn của cụm thi nên sẽ đảm bảo tính công bằng và an toàn tuyệt đối. Không thể diễn ra tình trạng các tỉnh đưa ý kiến của mình làm thay đổi công tác tổ chức kỳ thi và chấm thi.
Ông có nhắn nhủ gì khi thí sinh đang bước vào kỳ thi
năm nay?
Thí sinh năm nay đến làm thủ tục, biết rõ quy chế, những gì cấm mang vào phòng thi. Đặc biệt chú ý điện thoại di động không mang vào phòng thi. Các năm trước, nhiều thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi. Thí sinh cần giữ tinh thần thoải mái khi bước vào kỳ thi.
Cảm ơn ông.