Không khóc vì chuyển giới

Lê Ánh Phong (trái) chia sẻ những điều khó nói nhất về chuyển giới. Bên cạnh là Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Ảnh: D.T
Lê Ánh Phong (trái) chia sẻ những điều khó nói nhất về chuyển giới. Bên cạnh là Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Ảnh: D.T
TP - Hôm iSee tổ chức cho người trong cuộc chia sẻ với báo chí về sự kiện Quốc hội thông qua Điều 37 công nhận quyền chuyển đổi giới tính, những câu hỏi và trả lời thẳng thắn nhất đã được đưa ra. Nào là bạn phẫu thuật một hay nhiều lần, những bộ phận nào, chi phí bao nhiêu, cảm giác đau đớn ra sao, tiêm hooc-môn ở đâu. Những thuật ngữ liên quan bộ phận nhạy cảm, rồi thủ thuật y tế, vân vân, đều được đề cập tròn vành rõ chữ.

Mới ngày nào 6 năm trước, iSee- cơ quan mới nhưng tìm được nhiều dự án nước ngoài về LGBT (cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và người chuyển giới), tổ chức tập huấn cho một số nhà báo để họ có cái nhìn cởi mở thông thoáng khoa học, đặng viết bài chuẩn hơn về LGBT. Một tối, chúng tôi đi thực tế quán cafe dành cho người đồng tính nữ ở TPHCM. Khi máy ảnh giơ lên, một số bạn trẻ nói nhà báo có thể quan sát, ghi nhận nhưng đừng chụp ảnh vì chúng tôi chưa quen lên báo. Ca khúc “Chênh vênh” của Lê Cát Trọng Lý vang lên du dương, Đăng Linh - một người đồng tính nữ khá nổi lúc đó, nói nhỏ với tôi: “Nghe bài hát em nghĩ Lý cũng les như tụi em”. Thường những người đồng tính hay thích điểm danh người nổi tiếng đồng cảnh ngộ, như để hậu thuẫn cho mình. Minh tinh Jodie Foster và Richard Chamberlain- một “lesbian” và “gay”, cũng hay được họ điểm.

Ngày đó, thấy Đăng Linh, rất trẻ, sẵn sàng lên báo kể chuyện mình, đã thầm nảy cái tít “Đăng Linh, người dũng cảm”. Chỉ 6 năm, mọi sự đã biến chuyển không ngờ.

Trong hai đợt tập huấn đó, có nhà báo trẻ không ngần ngại gọi đồng tính là bệnh, do anh chưa có thông tin chứ không phải bản chất kỳ thị. Trên báo, ông đạo diễn luống tuổi cũng không giấu dốt, bảo người đồng tính “bệnh nặng” dù WHO đã loại đối tượng này khỏi danh sách bệnh từ 1990. Ông đạo diễn họ Lê này luôn tự nhận văn minh, hội thảo nào cũng chan tương đổ mẻ đồng nghiệp cùng phim của họ. Trong phim ảnh của ông, nhân vật đồng tính hiện lên đều một kiểu lòe loẹt uốn éo, chủ yếu gây cười. Một quan chức cỡ Vụ ở Ban Tư tưởng Văn hóa cũng viết báo mạt sát “vơ đũa cả giới” mà ông cho là bệnh hoạn, khiến họ bức xúc mà chẳng dám làm gì.

Hôm nay, người đồng tính thường xuyên xuống đường cổ động cho phong trào của mình; chủ động gặp báo chí bất cứ khi nào có thể; trong các talk show thì thản nhiên trêu đùa giới tính của mình và những người nổi tiếng (“Những kẻ lắm lời” mới bị ngưng là ví dụ). Tôi nghĩ những LGBT lại là người của công chúng giờ cũng không ngại nghe bàn luận giới tính của mình lắm nữa. Thậm chí có xu hướng thích công khai, có thể mới dễ “bỏ mối”, kiếm được nửa kia của đời mình chứ.

Quan niệm và ứng xử với LGBT đã đạt bước tiến đáng kể đến ngạc nhiên so với nhiều vấn đề khó khăn khác trong xã hội Việt Nam, ví dụ bình đẳng giới. Cứ đà này, 6 năm nữa tương lai của người đồng tính, chuyển giới còn sáng sủa hơn nữa. Sẽ không phải cố sống cố chết tìm cách di cư từ nông thôn ra thành thị, từ miền Bắc vào TPHCM mới mong dễ thở nữa.

Nhà báo Hồ Hải Âu bạn tôi vừa ra cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”, kể chuyện đã nuôi dạy con ra sao để nhận được học bổng Harvard danh giá. Tôi đọc đoạn chị viết về chuyện cái tên của con, thật sự khâm phục. Số là có một dạo con gái chị nói không thích cái tên Lã Hồ Thị Minh Khuê, vì nó quá khác biệt so với mọi người. Lúc đầu chị sửng sốt sau đó nói với con: “Lúc sinh con mẹ đã suy nghĩ rất nhiều để đặt cho con cái tên theo mẹ là hợp con nhất. Nhưng giờ con đã lớn, nếu con cảm thấy không thích thì mẹ con ta có thể nghĩ cái tên khác khiến con hài lòng”. Tôn trọng suy nghĩ, cá tính, phong cách, dị biệt của người khác là điều mà người có tư duy bình thường cần học cả đời nếu không muốn chính mình bị kỳ thị.

MỚI - NÓNG