Tiền mệnh giá nhỏ đắt giá
Những năm gần đây, việc buôn bán tiền lẻ bị quản lý chặt, nên hoạt động này dần chuyển vào bí mật, không còn trưng tiền lẻ công khai trong tủ kính, đội ngũ “cò” đổi tiền lẻ hiện tập trung ở một số tuyến phố đợi khách, cất tiền trong cốp xe.
Phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi có hoạt động thu đổi tiền tấp nập nhất Thủ đô. Chỉ cần dừng xe hỏi đổi tiền lẻ, lập tức có 3-4 phụ nữ trung tuổi chạy tới đáp ứng mọi nhu cầu tiền lẻ của khách, tiền mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng cao. Mệnh giá 500 đồng phí đổi là 50% (đổi 100.000 đồng được 50.000 đồng tiền lẻ); tiền 1.000 đồng là 70% (đổi 100.000 đồng được 70.000 đồng tiền lẻ), 2.000 đồng là 80% và 5.000 đồng là 90%. Riêng mệnh giá 200 đồng hiện không có hàng.
“Nếu đổi vài trăm nghìn chỉ được tiền đã qua sử dụng, nếu đổi từ 1 triệu trở lên sẽ có tiền lẻ còn nguyên cọc, cùng số seri”, một “cò” nói. Hoạt động đổi tiền lẻ cũng diễn ra tại khu vực chùa Quán Sứ (phố Quán Sứ), chùa Trần Quốc (đường Thanh Niên), phủ Tây Hồ… Không chỉ sôi động tại các tuyến phố, cổng đình chùa, hoạt động đổi tiền lẻ cũng rất sôi động trên nhiều trang mạng, diễn đàn.
Không in tiền lẻ, tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng
Sáng 12/1, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết, từ năm 2013, chủ trương không in thêm tiền mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) dịp Tết đã được thực hiện. “Việc này nhằm tiết kiệm ngân sách chi cho in ấn, bảo quản và giảm chi phí xã hội cho việc dùng tiền lẻ vào lễ hội, đền chùa”, ông Tú nói.
Trong 4 năm qua, chủ trương trên giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2013, không in thêm tiền mệnh giá 500 đồng đã tiết kiệm 95 tỷ đồng; năm 2014 không in tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng đã tiết kiệm 314 tỷ đồng; năm 2015 và 2016 không in thêm toàn bộ tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng đã tiết kiệm được 996 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN đã phối hợp Bộ VH-TT&DL, các ngành Công an, Tuyên giáo, Thông tin Truyền thông, các địa phương… tổ chức truyền thông, hạn chế sử dụng tiền nhỏ lẻ không đúng mục đích, phản cảm tại các lễ hội, đền chùa như các năm trước.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, nói: “Việc hạn chế dùng tiền lẻ tại các lễ hội, đình chùa còn giáo dục ý thức xã hội, vì không phải đi đâu, làm gì cũng rải tiền là được”. Năm nay, Bộ VH-TT&DL phối hợp ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích các địa phương thực hiện cấm kinh doanh đổi tiền lẻ trong phạm vi quản lý, thu gom tiền lẻ tại các di tích…
Theo ông Tú, tới nay, việc chuẩn bị tiền mặt cung ứng cho nền kinh tế, nhu cầu của người dân đã cơ bản hoàn thành, và đã chuyển tiền mặt cho chi nhánh NHNN các địa phương. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng, kể cả trước, trong và sau Tết đều được NHNN yêu cầu phải đảm bảo. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt, ngân hàng phải khất, hoãn chi, đặc biệt tiền mặt chi trả trợ cấp, lương, thưởng cho người lao động.
“Rút kinh nghiệm các năm trước, trong Tết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu vẫn hoạt động và giao dịch quốc tế. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có phương án sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giao dịch, đổi ngoại tệ của doanh nghiệp bất kể thời gian nào”, ông Tú nói.
Với hoạt động ATM, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Theo ông Tú, nhiều doanh nghiệp thường trả lương, thưởng sát Tết để giữ chân công nhân. Vì vậy, gần Tết, người lao động thường đổ xô ra ATM rút tiền, gây quá tải hệ thống.
“Chúng tôi đã giao ngân hàng thương mại làm việc với các doanh nghiệp nhiều công nhân để trả lương, thưởng tại doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn công nhân tới điểm giao dịch của ngân hàng để rút tiền, nhằm giảm tải cho ATM”, ông Tú nói. Ngoài ra, năm nay, NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại đảm bảo hoạt động các điểm thu đổi ngoại tệ cho khách du lịch suốt dịp nghỉ Tết.
Tiền xu vẫn có giá trị giao dịch
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, nói: “Hiện tiền xu chưa phải bị đình chỉ lưu hành vì chưa có văn bản nào quy định. Về mặt pháp lý, tiền xu vẫn còn giá trị giao dịch. Tuy nhiên, NHNN không phát hành thêm tiền xu và thực hiện thu hồi dần tiền xu qua hệ thống ngân hàng. Khi nào có tuyên bố chấm dứt vai trò lịch sử của tiền xu mới có đánh giá cụ thể về loại tiền này”.