Nhỏ lẻ
Tại buổi công bố báo cáo đầu tiên về các không gian sáng tạo tại Việt Nam, nhà báo Trương Uyên Ly, người thực hiện báo cáo theo đặt hàng của Hội đồng Anh chia sẻ: “Ngày càng nhiều các không gian sáng tạo được mở ra, và mọi người có thể gặp gỡ chia sẻ những ý tưởng, hay thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Sự phát triển của môi trường sáng tạo đã vượt xa kỳ vọng của cá nhân tôi. Trước khi thực hiện nghiên cứu này, tôi chỉ có thể kể tên 10 không gian sáng tạo tại Việt Nam, nhưng tính đến thời điểm viết báo cáo, con số đã lên đến gần 40 không gian”.
Các không gian sáng tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bản sắc của thành phố, và phát triển đô thị. Mỗi không gian sáng tạo (quy mô lớn hay nhỏ) đều tạo ra những công ăn việc làm. Với khoảng 60 hộ kinh doanh và 1.000 nhân viên, Zone 9 có lẽ là mô hình tổ hợp sáng tạo lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Các không gian sáng tạo còn đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo, và nơi kết nối những người trong lĩnh vực kinh doanh sáng tạo.
Hanoi Grapevine ban đầu (năm 2007) chỉ là blog cá nhân, phi lợi nhuận của một người Đức đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sau khi anh về Đức, nhóm bạn trẻ người Việt đã tiếp quản và phát triển nó thành không gian sáng tạo trên mạng. Năm 2014, trang web Hanoi Grapevine đã có tới 33.000 người theo dõi, đa phần ở độ tuổi từ 19-33. Từ ý tưởng quay phim về làng giấy dó của một người Đan Mạch, Zó project là một dự án của những bạn trẻ đang thực hiện với mong muốn trở thành doanh nghiệp xã hội đầu tiên góp phần bảo tồn và phát huy giấy dó truyền thống. Hanoi Rock City cũng vậy, ban đầu cũng chỉ là một nơi thu hút những người yêu nghệ thuật biểu diễn…
Thiếu liên kết
Trước sự phát triển tự phát như hiện nay, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB doanh nhân sáng tạo nhận định, các không gian sáng tạo được mở ra xuất phát từ đam mê của người sáng lập. Do đó, qua thời gian, cách thức kinh doanh này cũng bộc lộ một số vấn đề. Đó là thiếu tính liên kết giữa các không gian sáng tạo. Cơ chế vận hành vẫn trông chờ vào sự trợ giúp. Lời khuyên của ông Vinh là, đầu tiên cần phải tạo ra thị trường văn hóa, biến nó thành ngành kinh doanh thực sự, mới tồn tại được.
Hanoi Rock City. Ảnh do Hội đồng Anh cung cấp
Ông Lương Hồng Quang, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật cho rằng, sự ra đời của các không gian sáng tạo rất đáng hoan nghênh. Là người công tác trong một cơ quan làm chính sách, theo góc độ cá nhân, ông Quang cho rằng, nếu lấy ba tiêu chí: kết nối, sáng tạo và có định hướng kinh doanh để đánh giá các không gian sáng tạo ở Việt Nam thì chúng ta đều thiếu tất. Sự thiếu liên kết, không chịu bắt tay hợp tác với nhau, giữa các nghệ sỹ với nhau, giữa các doanh nghiệp với nhau còn tồn tại.
Nhà ga 3A ban đầu là khu đất lớn dùng làm quán bia. Nhưng khi dự án đường metro đi qua, nó bị chia ra, diện tích nhỏ lại, lối đi khó khăn hơn. Với kinh nghiệm của mình, chị Mai thu hút được các nghệ sỹ trẻ tới đây. Ở Nhà ga 3A, có Art street (phố nghệ thuật), nơi các nghệ sỹ thỏa sức bay bổng và sáng tạo.
Chị Mai khẳng định: “Thực ra, không gian cũ đem lại lợi ích rất cao, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Nếu có nhiều không gian như thế này, sức sáng tạo sẽ lớn lên rất nhiều”.
Nghiên cứu về không gian sáng tạo tại Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực chính như nghệ thuật thị giác, âm nhạc, điện ảnh, múa, thiết kế, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Đó có thể là một không gian làm việc chung và kết nối những người cùng sở thích (The Start Centre, Work Saigon), một cơ sở đào tạo (Học viện ADC), một quỹ đầu tư và một văn phòng làm việc chung (Saigon Co-working), một địa điểm chào đón mọi ý tưởng sáng tạo (Saigon Outcast, Hanoi Rock City), một diễn đàn chia sẻ thông tin trực tuyến (Hanoi Grapevine), hay một địa điểm trò chuyện thảo luận của tất cả những người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo và những người yêu văn hóa (Cà phê thứ bảy).