Không giải ngân được, 9 bộ, ngành đồng loạt xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 7/10, tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA), đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% dự toán.

Từ đầu năm đến nay, có 7/13 bộ, ngành chưa giải ngân được vốn ODA: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ Y tế, Bộ Công Thương, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 20%.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có tỷ lệ giải ngân đạt 20% - hơn 40%.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đánh giá, trong thời gian từ nay đến cuối năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 (trên 95% kế hoạch được giao theo mục tiêu Nghị quyết 63) là không khả thi.

Bộ Tài chính cũng đã nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các bộ, ngành. Số vốn các đơn vị xin trả lại có thể phải điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch, hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Đại diện các bộ, ngành đều cho rằng, tác động nặng nề của COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (Vụ Xây dựng, Bộ NN&PTNT) cho biết, gần như toàn bộ công trường ở các địa phương đều dừng thi công, tư vấn nước ngoài không nhập cảnh được. Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh giãn cách theo Chỉ thị 16 là cho phép tự cách ly tại công trường, nhưng chỉ một vài tỉnh cho phép...

Một số dự án như thuỷ lợi phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mùa khô có thể thi công thì phải dừng vì ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội, khi nới lỏng thì đã chuyển sang mùa mưa.

Bộ Tài chính cũng tổng hợp lại một số nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn ODA: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở; chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay...

Bên cạnh đó, công tác kế hoạch vốn chưa tốt cũng là lý do. Nhiều bộ, ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Về phía các địa phương, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn ODA mới đạt 9,82% kế hoạch. Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum... chưa giải ngân vốn ODA. Sơn La, Quảng Ninh, Phú Yên giải ngân dưới 1%. Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM là các địa phương được phân bổ nhiều vốn, nhưng tỷ lệ giải ngân chưa cao.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.