Không fair- play

Tranh biếm họa về cầu thủ Suarez: Giờ không cần xin chữ ký của Luis Suarez mà là xin dấu răng (nguồn: internet)
Tranh biếm họa về cầu thủ Suarez: Giờ không cần xin chữ ký của Luis Suarez mà là xin dấu răng (nguồn: internet)
TP - Với tôi, hai mùa World Cup rồi chẳng thấy gì hấp dẫn. Phần vì không còn son rỗi; nhan sắc Ý ngày càng kém; quan trọng hơn: chẳng tìm thấy cầu thủ nào khiến mình đam mê như thời Maradona, Cantona, Beckham...

Nghe nói châu Âu mùa này chỉ trông vào Hà Lan, nhưng chính người Hà Lan ngoài ca tụng Robben chạy nhanh như điện, chẳng còn gì thú vị ngoài cười nhạo Suarez (Uruguay) “cẩu xực” hậu vệ Ý rồi giả đau.

Màn hình trong studio bóng đá của Hà Lan quay cảnh dân bình luận cười ngả nghiêng Suarez cãi sau sân bóng “mắt tôi bị đau thật đây này” kèm cảnh một vận động viên marathon nằm vạ trên đường pitch “tôi đã chạy đâu mà bảo thua”. Chú chó nhỏ thả rông trong trường quay cũng hướng lên màn hình gừ gừ.

Đàn bà nói chuyện bóng đá chỉ đến thế. Vậy đàn bà có chuyên môn nói gì? Heleen Jaques- đội trưởng đội bóng đá nữ Bỉ khẳng định môn này vẫn hấp dẫn, đặc biệt về đẳng cấp kỹ thuật, song cũng thừa nhận “Nhịp độ trận đấu có lẽ đã chậm hơn và ít sức mạnh cơ thể hơn”.

Nhìn Marc, bạn của chồng, cơ bắp cuồn cuộn lái máy ủi san lấp vườn nhà, tôi hỏi “Tối nay bóng đá?”. Marc trợn mắt “Xem gì trò ngu xuẩn ấy”. Marc chỉ mê môn thể thao xe đạp, nhưng anh có lý do nghĩ bóng đá không fair- play: “Nực cười cái gọi thi đấu vì màu cờ sắc áo. Thấy cầu thủ châu Phi nào đá giỏi họ hớt váng mỡ ngay, nhử mồi cho nhập quốc tịch cốt để chiến thắng, thế sao gọi fair-play?”.

Sau ba lần lỗi hẹn World Cup, đội Bỉ đã trở lại. Nhưng câu hỏi đầu tiên của các cầu thủ khi biết được sang Brasil là “Ở đó có wifi không?”. Khát khao của cầu thủ không sánh được khát khao của cổ động viên. Người ta rời chỗ làm sớm để kịp 6h tối (23h ở Việt Nam) xem Bỉ đấu với Algeria, Nga.

Ở Antwerp, hai cổ động viên quá hăng, trèo lên giàn giáo tháp chuông nhà thờ rồi không xuống được, phải nhờ cứu hỏa. Trong khi đó, một cổ động viên ở trung tâm Brussels phấn khích leo lên tượng, ngã và tắt thở tại bệnh viện. Người chết chắc không trách bóng đá, nhưng với người nhà nạn nhân trò chơi này chẳng fair- play chút nào.

Còn nữa, xem ông Pascal Smet- Bộ trưởng Giáo dục vùng Flanders có fair-play không? Năm ngoái ông bừng bừng tức giận nhiều phụ huynh cho con nghỉ vài ngày trước khi năm học kết thúc để khởi hành sớm (vì du lịch đúng dịp nghỉ hè thì vé máy bay đắt hơn). Ông lệnh: cắt hỗ trợ giáo dục nếu nghỉ không có giấy bác sĩ.

Vậy mà cuối tháng 6 này, ông cho 15 học sinh nghỉ sớm đi Brasil xem Bỉ thi đấu. Nhóm học sinh ấy đã thắng cuộc thi do Hội bóng đá Bỉ phối hợp với công ty xổ số và vài kênh truyền hình tổ chức. Đến lượt các hiệu trưởng, giáo viên bừng bừng “Smet làm vậy khác nào ông ta chống lại chính mình”. Smet cãi “Chuyến đi này nhóm học sinh kết hợp thăm bảo tàng, bảo vệ thiên nhiên, thực hiện dự án từ thiện vì làng trẻ SOS”. Bộ trưởng mà. Nghề của họ còn là nói, mà nói thế nào chẳng được.

Liên, bạn tôi ở Thụy Sĩ thán phục dân địa phương có cái đầu lạnh “Đội nhà đá họ cũng chỉ uống và đứng xem màn hình lớn thôi, không có chuyện nghỉ làm sớm. Thụy Sĩ mà thua, World Cup cũng hết”. Thế mới giàu. Nhà Liên không sắm tivi, chồng cô chỉ mê tennis “Tivi không cần thiết, cần thì ngó máy tính”.

Hóa ra không ai mê bóng đá như người Việt và dân gốc Á. Chỉ có người Việt mất ăn mất ngủ vì bóng đá trong khi đội nhà không biết niên đại nào mới vào World Cup. Cô bạn tôi là nhà văn nhưng chân dài miên man như người mẫu, bao năm rồi ủng hộ Nga bởi trót mê văn học Nga “Bỉ thắng một trận rồi, cho Nga ghi bàn với chứ”. Nga thua, tôi nhắn tin “Chia buồn với bạn chân dài và Putin chân ngắn”.

Cô bạn khác đau khổ “Hồi mới sinh con, ông xã đi làm về còn vạch thùng rác mở bỉm xem con tiêu hóa thế nào. Nay con sốt mọc răng, khóc ngằn ngặt bố tỉnh queo xem bóng đá”.

Đấy, bóng đá còn khiến chồng không fair-play với vợ con. Chuyện này khiến tôi nhớ người đàn ông Nepal có vợ chung phòng sau sinh với tôi. Đó là mùa World Cup trước, chung kết Tây Ban Nha- Hà Lan. Anh thèm xem trận này lắm nhưng cô vợ bị căng sữa, rên rỉ suốt.

Tôi bảo anh quay màn hình sang góc phòng của tôi xem cho thoải mái, con anh và con tôi nằm phòng riêng không ảnh hưởng. Chưa bao giờ thấy đàn ông xem bóng đá như anh. Âm thanh gần như câm và cứ mỗi pha gay cấn anh lại vung hai tay lên, không phải để hét mà từ từ vòng lại chắp trước ngực như thiền. Bái phục, bái phục! Phải lấy người như anh.

MỚI - NÓNG