Đổi thay nhờ du lịch
Nhiều đời nay, người dân đảo Bình Ba gắn bó với việc đánh bắt hải sản gần bờ. Đến đầu năm 2000, kinh tế của một bộ phận bà con trên đảo dần khấm khá lên nhờ việc nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh. Đến năm 2012, cuộc sống người dân đảo Bình Ba thay đổi lớn khi nhiều du khách bắt đầu tìm đến hòn đảo thơ mộng này tham quan, nghỉ dưỡng.
Đảo Bình Ba có khung cảnh thơ mộng thu hút du khách tham quan. Ảnh LỮ HỒ. |
Ông Hồ Văn Na (63 tuổi, còn gọi ông Bảy Hộ, con cháu đời thứ 6 của ông Phan Bạc - người lập làng trên đảo Bình Ba) cho biết: “Bao đời nay đảo Bình Ba khô cằn sỏi đá, không có nước ngọt và cũng không có đất trồng trọt. May nhờ được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hữu tình và thơ mộng, nên đông đảo du khách trong nước tìm đến tham quan đảo Bình Ba. Có nguồn thu nhập từ du khách, cuộc sống của người dân khấm khá hơn nhiều".
Nhà hàng nổi phục vụ du khách của người dân Bình Ba trên vịnh Cam Ranh. Ảnh LỮ HỒ. |
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 44 ban hành quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh với quy định: "khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch". Từ đó, TP. Cam Ranh có chủ trương không phát triển các dự án du lịch tại đảo Bình Ba, Bình Hưng. Đến ngày 21/4 vừa qua, UBND TP. Cam Ranh đã phát thông báo rộng rãi cho người dân về việc không tổ chức, tiến hành hoạt động du lịch tại đảo Bình Ba, Bình Hưng.
Nghiên cứu chuyển đổi nghề cho người dân
Theo ông Hồ Văn Na, người dân trên đảo Bình Ba đều đồng tình thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ vì liên quan đến các yếu tố an ninh, quốc phòng tại Quyết định 44. Tuy nhiên, gần 5.000 người hiện đang sống trên đảo Bình Ba cũng mong muốn địa phương có nhìn dài hơi, làm sao đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng của đất nước nhưng cũng đảm bảo việc làm cho người dân.
Bến tàu đảo Bình Ba vắng khách du lịch từ đầu năm đến nay. Ảnh LỮ HỒ. |
Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết: Vào những năm 2019, địa phương đã bắt đầu tuyên truyền việc sẽ cấm hoạt động du lịch. Mãi đến năm 2022 - khi dịch bệnh được khống chế, việc thông báo này mới chính thức có hiệu lực. "Đến nay xã cũng chưa có chính sách nào liên quan đến việc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết sinh kế bền vững cho con ở đảo Bình Ba", ông Linh nói.
Bãi Nồm thơ mộng trên đảo Bình Ba vắng khách khi bị cấm hoạt động du lịch trên đảo. Ảnh L.H |
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, cho biết việc cấm hoạt động du lịch có tác động ít nhiều đến đời sống của người dân xã Bình Ba. Tuy nhiên, trước chủ trương lớn của Chính phủ, TP. Cam Ranh phải chấp hành nghiêm chỉnh. "Về lâu dài, thành phố tiếp tục theo dõi việc triển khai chủ trương và sẽ có kiến nghị, đề xuất các cơ quan cấp trên có cơ chế cụ thể để vừa thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, vừa có thể tạo điều kiện trực tiếp đến đời sống của người dân trên đảo Bình Ba và Bình Hưng", ông Thạch chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết: Hiện tỉnh Khánh Hoà đang kiến nghị Bộ Quốc phòng và Chính phủ điều chỉnh một số điều trong Quyết định 44 của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đảo Bình Ba và Bình Hưng phát triển kinh tế. “Chúng tôi đang giao UBND TP. Cam Ranh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân, người dân địa phương nêu cao ý thức, thực hiện nghiêm Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giao thành phố nghiên cứu chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, bảo đảm sinh kế của người dân, nhất là người dân đang hành nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương trong thời gian tới”, ông Tuân cho hay.