Chàng trai đam mê bảo tồn sinh vật biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nguyễn Hữu Huy Hoàng (SN 1996, ở tỉnh Ninh Thuận) được biết đến là một thanh niên rất tâm huyết với những dự án cải thiện nghề cá và bảo tồn sinh vật biển. Anh mong muốn cải thiện đời sống ngư dân và đưa nghề cá của Việt Nam phát triển bền vững.

Huy Hoàng sinh ra ở vùng biển tỉnh Ninh Thuận, nơi việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đem lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho bà con ngư dân địa phương. Vì thế, từ hồi học phổ thông Hoàng đã thể hiện rõ quyết tâm thi đỗ và theo học ngành Quản lý thuỷ sản Trường Đại học Nha Trang với mong muốn góp sức phát triển nghề cá của tỉnh nhà.

Chàng trai đam mê bảo tồn sinh vật biển ảnh 1

Huy Hoàng (bên phải) vận động ngư dân thay đổi nhận thức và tự giác tham gia BHYT. Ảnh: Thục Hiền

Bước chân vào giảng đường, ngay từ năm thứ nhất, Huy Hoàng đã có những trải nghiệm ngành nghề đầu tiên khi đến cảng cá, các cơ sở chế biến và khu vực nuôi trồng thuỷ sản để khảo sát thực tế. Hoàng có thêm kiến thức, hiểu được văn hóa và cách giao tiếp với bà con ngư dân từ đây. Hoàng chủ động xin tham gia một số chương trình tình nguyện, dự án về bảo vệ sinh vật biển.

Hoàng kể kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần tham gia làm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Cứ khoảng 4h sáng hàng ngày anh cùng với các tình nguyện viên khác phải đi xuống 2 ngọn đồi, đến bãi đẻ của rùa đi tuần để quan sát. Khi rùa mẹ đẻ xong về biển, nếu trứng nằm ở vị trí không tốt thì anh cùng mọi người di dời đến vị trí thuận lợi hơn. Công việc này giúp độ nở của trứng rùa được đảm bảo và điều tiết tỉ lệ đực - cái của giống rùa. Sau khi rùa con ra đời, nhiệm vụ cuối cùng của các tình nguyện viên là thả chúng về với biển cả. “Đó là những trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ mà tôi đã không bỏ phí”, Hoàng nói.

Đồng hành với ngư dân

Sau lần tham gia tình nguyện trên, Hoàng luôn trăn trở về việc có nhiều rùa biển bị thương, thậm chí chết vì cắn nhầm phải lưỡi câu của ngư dân. Hoàng ấp ủ dự án thúc đẩy ngư dân sử dụng lưỡi câu vòng trong nghề khai thác cá để giảm thiểu việc rùa biển cắn câu. Đầu năm 2018, khi tham gia trại hè “Bảo tồn biển” của chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Phillipines, Hoàng đã trình bày ý tưởng này và nhận được góp ý của các chuyên gia.

Khi bắt đầu làm việc tại Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam năm 2019, Hoàng liền đề xuất ý tưởng trên, nhận được đồng ý của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) và bắt tay thực hiện dự án. Dự án được thí điểm tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Suốt quá trình thực hiện, anh phải thuyết phục từng ngư dân, rồi đồng hành với bà con trong những chuyến ra khơi để thử nghiệm. “May mắn là sau vài chuyến biển thành công, phần lớn ngư dân đã sẵn lòng thay đổi và sử dụng chúng. Đối với tôi, đây là một niềm tự hào vì góp được chút gì đó để bảo vệ rùa và cải thiện môi trường biển”, Hoàng chia sẻ.

Hoàng vừa giành học bổng của Chính phủ Úc cho bậc học thạc sĩ chuyên ngành Marine Biology (Khoa học biển và quản lý nguồn lợi biển) trong thời gian 2 năm tại trường James Cook University - một trong những trường đại học top đầu tại Úc. Hoàng bày tỏ hy vọng chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ giúp anh nâng cao trình độ chuyên môn và có cơ hội tiếp xúc, làm việc với những chuyên gia đầu ngành. Từ đó, có thể giúp bà con ngư dân cũng như ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững.

Huy Hoàng rất quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người lao động trong khai thác thuỷ hải sản. Năm 2020, anh đã lên ý tưởng và triển khai các dự án liên quan đến nâng cao hiểu biết về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), an toàn lao động trong hoạt động khai thác thủy hải sản. Sau các hoạt động tuyên truyền của dự án, bà con ngư dân nhiều vùng đã thay đổi nhận thức và tự giác hơn trong việc tham gia BHYT. Hiện dự án được Hoàng cùng Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam duy trì và triển khai.

MỚI - NÓNG