Không dựng 'rào cản'

Không dựng 'rào cản'
TP - Từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đều ghi nhận: Công dân Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND).

Với quyền cơ bản được Hiến pháp, luật pháp quy định, trong 13 khoá QH vừa qua, nhiều công dân Việt Nam có tâm, có tài đã tự tin ứng cử và trúng cử với tỷ lệ ngày càng tăng. Nếu như QH khóa XII chỉ có 1 người tự ứng cử lọt vào danh sách bầu cử và trúng cử, thì QH khóa XIII có 15 người, trong đó có 4 người trúng cử…

Tuy nhiên, so sánh con số trên với con số 60 – 70 triệu công dân trong độ tuổi (21 tuổi trở lên) có quyền tự ứng cử thì thấy tỷ lệ này vô cùng nhỏ. Dường như trong xã hội, trong tâm lý của mỗi công dân vẫn còn sự e ngại, dè dặt… nhất định trong việc thực hiện quyền tự ứng cử đại biểu QH, HĐND. Cũng có nhiều trường hợp ứng viên sợ  “hội chứng cơ cấu” nên không dám tham gia. Nhiều trường hợp nộp đơn ứng cử nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên cứ rơi rớt dần qua mỗi vòng Hiệp thương.

Câu hỏi đặt ra vì sao tỷ lệ những người tự ứng cử được lọt vào danh sách bầu cử cuối cùng có số lượng hạn chế thế? Phải chăng đang có những “rào cản” nhất định đối với người tự ứng cử? Tuy nhiên băn khoăn đó xem ra khó có cơ sở vì quyền tự do ứng cử của công dân vốn đã được Hiến pháp, luật pháp ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định: “Trong quá trình hiệp thương, MTTQ Việt Nam ủng hộ tất cả những người ứng cử đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không phân biệt người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử”. Trong quá trình chuẩn bị hướng dẫn bầu cử, có ý kiến trong cấp tham mưu cho rằng, nên chăng dựng lên “rào cản” kỹ thuật để sàng lọc doanh nhân, người tự ứng cử để đảm bảo chất lượng nhưng ý kiến này không được chấp nhận.

“Hiến pháp cũng như luật đều quy định, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn thì có thể ứng cử đại biểu QH, nên không được phép dựng “rào cản”  để sàng lọc người tự ứng cử hay doanh nhân”, ông Pha khẳng định.

 Khi “rào cản” được tháo bỏ thì mọi công dân Việt Nam có đủ điều kiện tiêu chuẩn ứng cử cũng nên mạnh dạn nộp hồ sơ ứng cử vào đại biểu QH. Nếu trong danh sách bầu cử cuối cùng có nhiều người tự ứng cử, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sự lựa chọn cho cử tri trong việc quyết định người xứng đáng đại diện cho tâm tư và nguyện vọng của mình. 

MỚI - NÓNG