Không để xảy ra đại dịch cúm gia cầm

Ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Chương Mỹ. (Trong ảnh: Gia cầm được buôn bán tại chợ cóc ở khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh
Ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Chương Mỹ. (Trong ảnh: Gia cầm được buôn bán tại chợ cóc ở khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh
TP - Ngày 13/2, tại hội nghị triển khai giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020. Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam để xảy ra 10 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Những hiểm họa của dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới corona Covid-19 (nCoV) gây ra trên người, đã đẩy mối lo ngại về khả năng biến chủng mới của virus cúm gia cầm A/H5N6 đe dọa sức khỏe cộng đồng tăng cao.

Dẫn thông tin dịch cúm gia cầm đang xuất hiện tại 11 nước và vùng lãnh thổ từ đầu năm 2020 đến nay, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N1, H5N6, H5N5… gây chết đàn gia cầm ở nước, vùng lãnh thổ cận kề Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan.

Trong khi đó, ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, 10 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra, buộc tiêu hủy trên 43.200 con gia cầm tại 5 địa phương là Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Đến nay, vẫn còn 9 ổ dịch cúm A/H5N6 chưa qua 21 ngày. Cụ thể, dịch còn ở xã Tân Khang và xã Tân Thọ (huyện Nông Cống), xã Quảng Trường (huyện Quảng Xương) của tỉnh Thanh Hóa. Ở Nghệ An, các ổ dịch vẫn còn ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu).

Ở phía Bắc: Hà Nội xuất hiện một ổ dịch chưa qua 21 ngày ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); Bắc Ninh có hai ổ dịch ở phường Hòa Long (TP Bắc Ninh) và ở xã Việt Thống (huyện Quế Võ).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhắc lại đợt dịch cúm gia cầm năm 2004 như bài học cảnh báo. Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam lúc đó tan hoang; phải hủy 45 triệu con gia cầm, 20 người bị chết vì dịch. Vì thế, ông Tiến đề nghị các địa phương, và yêu cầu lực lượng thú y cần quyết liệt, trách nhiệm thực sự trong phòng, chống dịch.

Cục Thú y phải trực 24/24 để xét nghiệm, kiểm chứng, giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm trong giai đoạn hiện nay.

Còn Phó Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Cục vừa có thông báo tình hình lưu hành virus đến từng địa phương, để biết các chủng virus nào đang lưu hành ở đâu, từ đó có sử dụng vắc-xin cho phù hợp, trong đó có vắc-xin cúm A/H5N6.

Theo ông Long, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất thành công về vắc-xin cúm A/H5N6, và khả năng cung ấp khoảng 200 triệu liều vắc-xin trở lên. “Cùng với một số doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu, sẽ đảm bảo đủ nguồn vắc-xin có chất lượng để tiêm cho đàn gia cầm”, ông Long nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lo ngại rằng, với tổng đàn 467 triệu con gia cầm, chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, tốc độ phát triển 15% mỗi năm, chưa kể dịch bệnh trên đàn lợn, trâu bò, dê… lại trong bối cảnh “mùa dịch”, việc lực lượng thú y “co gọn” vào trung tâm dịch vụ là một thách thức. Lúc đó, lực lượng nòng cốt để triển khai tiêm phòng và khử trùng tiêu độc sẽ rất khó khăn và đây là một trở ngại lớn.

MỚI - NÓNG