Sau corona, Việt Nam khẩn cấp ứng phó dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc

Ở Việt Nam đã ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Quảng Ninh.
Ở Việt Nam đã ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Quảng Ninh.
TPO - Bộ NN&PTNT cho biết dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), bên cạnh “ổ dịch” virus corona mới là tỉnh Hồ Bắc của ngước này. Đáng lo ngại, virus cúm gia cầm này có biến chủng lây chéo sang người, gây tử vong cao.

Ngày 3/2, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, ngày 1/2, Trung Quốc đã phát hiện có virus cúm A/H5N1 tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Đây là địa phương bên cạnh “ổ dịch” virus corona đang hoành hành tỉnh Hồ Bắc.

Tại Việt Nam, năm 2019, bệnh dịch cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố với số gia cầm tiêu hủy 133.000 con. Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước có một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, kết quả chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với vi rút cúm A/H5N1 là 1,19%, A/H5N6 là 1,82%. Trong khi, hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn với 467 triệu con, điều kiện thời tiết thay đổi, thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.

Trong chỉ thị ngày 3/2 ứng phó với dịch cúm gia cầm, Bộ NN&PTNT nghị các địa phương hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Bộ NN&PTNT lưu ý các địa phương tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh, hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2/2020.

Cùng đó, các địa phương chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, trong đó có gia cầm trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Thú y chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cúm gia cầm rất đáng lo ngại bởi trong đó có một số biến chủng lây sang người, gây tử vong cao. Trong khi đó,  tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc đã bùng phát dịch cúm gia cầm, lại có tổng đàn gia cầm lớn, gần biên giới Việt Nam.

“Năm nay do nhuận hai tháng 4 nên dự báo, mưa phùn ẩm ướt sẽ kéo dài, mà đây lại là bạn đồng hành của cúm gia cầm. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm soát, không để gia cầm nhập lậu tràn vào trong nước”, ông Cường nói.

Dự kiến, tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai một hội nghị chuyên đề về dịch cúm gia cầm. “Chúng ta không được chủ quan để dịch xâm nhập, nếu cùng lúc đối phó với 2 thảm họa dịch thì rất đáng ngại” - ông Cường nhận định.

MỚI - NÓNG