Không để nước đến chân mới nhảy

TP - Bài học nào từ quả vải để hạn chế những vụ “giải cứu” nông sản, nhất là nông sản mang tính thời vụ như thanh long, dưa hấu, vải ?

Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế bị đảo lộn. Thị trường tiêu thụ nông sản ảnh hưởng nặng nề. Nhưng, nhờ tính toán chủ động, vải thiều năm nay đã có những kịch bản tiêu thụ từ rất sớm, với những tín hiệu khả quan.

Bắc Giang năm nay dự kiến tổng sản lượng khoảng 160 nghìn tấn vải thiều, tăng khoảng 10 nghìn tấn so với năm ngoái, trong đó lứa vải chín sớm đầu mùa khoảng từ 15/5 đến 10/6 và vải chính vụ từ 10/6 đến 20/7.

Nhìn thấy những khó khăn, Bộ NN&PTNT đã cùng tỉnh Bắc Giang đã tính toán những kịch bản tiêu thụ, đặc biệt là kênh trong nước. Chúng ta đã mời siêu thị lớn như Central Group, Saigon Coop, Hapro, Vinmart… để đẩy mạnh tiêu thụ ở các vùng miền có nhu cầu tiêu thụ trái vải đặc sản.

Về thị trường xuất khẩu lớn nhất với nông sản nói chung và vải thiều nói riêng là Trung Quốc, dù trong giai đoạn dịch, nhưng chúng ta đã kết nối qua nhiều kênh với thương nhân Trung Quốc. Trong đó, có một số nhóm thương nhân của Trung Quốc đã có mặt ở Việt Nam thời điểm sau Tết, để cùng nông dân, HTX, DN vệ tinh kết nối tiêu thụ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề nghị Bắc Giang cũng để trên 300 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) khi thời điểm chính vụ cận kề.

Còn thị trường Nhật Bản, cơ quan bảo vệ thực vật của Việt Nam đã cũng kết nối trực tuyến với các chuyên gia của Nhật để trao đổi, tháo gỡ, hoàn thiện các bước chuẩn bị cho xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang thị trường này trong năm 2020. Và ngày 3/6, chuyên gia Nhật đã sang Việt Nam để đánh giá những bước triển khai của Việt Nam theo yêu cầu từ phía bạn.

Đặc biệt ngày 6/6 tới, Thủ tướng, Bộ trưởng NN&PTNT, và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với các thị trường lớn như Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); các đại diện từ Nhật Bản, Thái Lan… các siêu thị lớn, địa phương trong nước để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều. Nhiều DN chế biến trong nước như Doveco, Nafoods, Lavifood… đã tăng thu mua để chủ động nguyên liệu sản xuất nước nước vải đóng lon xuất đi EU, Mỹ.

Bài học nào từ quả vải để hạn chế những vụ “giải cứu” nông sản, nhất là nông sản mang tính thời vụ như thanh long, dưa hấu, vải ? Đó chính là tính chủ động khâu tiêu thụ từ đầu vụ, phải tính thời điểm thu hoạch, thời điểm chính vụ, xác định sản lượng, từ đó có kịch bản tiêu thụ.

Ở đây, bà con nông dân, HTX, cùng các DN kết nối ngay từ đầu vụ, không để nước đến chân mới nhảy… Kế hoạch thời vụ phải sát với kế hoạch thị trường thì hiệu quả mới cao. Đáng lưu ý là, qua đại dịch COVID-19, chúng ta phải học cách “chào hàng” qua mạng, theo hình thức kết nối trực tuyến, livestream, mở các gian hàng trên mạng…

Về thị trường xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, khi dịch được khống chế, Chính phủ cho phép các chuyên gia của Trung Quốc sang Việt Nam, cùng rà soát các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, chanh leo, bơ… để hoàn thiện các thủ tục có thể xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc. Cùng đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến, tiêu thụ nông sản ở các thị trường như Trung Quốc, Brazil, Nga, Úc…

Bài học tiêu thụ vải thiều cho thấy, với nhiều nông sản chủ lực khác, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ, kế hoạch sản lượng vải phải đi liền kế hoạch thị trường từ sớm, không để nước đến chân mới nhảy.

MỚI - NÓNG