Không có anh Văn thì không có mình

Không có anh Văn thì không có mình
TP - Cụ Tô Đình Cắm (92 tuổi) là người cuối cùng trong số 34 chiến sĩ thuộc Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân còn sống. Không thể ra Bắc tiễn biệt vị chỉ huy mà toàn Đội kính phục, yêu quý, cụ lập bàn thờ Đại tướng tại nhà riêng, mong được viếng mộ anh Văn và thăm lại rừng Trần Hưng Đạo.

> Người cuối cùng của thế hệ vàng

Cụ Cắm vuốt nhẹ di ảnh Đại tướng trên bàn thờ
Cụ Cắm vuốt nhẹ di ảnh Đại tướng trên bàn thờ.

Sáng 12/10, khi được Ban chỉ huy quân sự huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đón đi dự lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức tại Huyện đội, cụ Tô Đình Cắm (trú tại số 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) mắt sưng húp, đỏ hoe, lưng còng hẳn xuống, giọng run run: “Nhớ anh Văn lắm, các cháu ơi!”. Ông Tô Đức Tuân (con trai cụ Cắm) tâm sự: “Sáng nay, bố tôi dậy sớm hơn mọi ngày, mặc quân phục tươm tất rồi trầm ngâm hút thuốc. Tôi hỏi mấy câu nhưng bố chẳng trả lời. Có lẽ cụ buồn vì không thể ra Hà Nội tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng”…

Chiếc áo kỷ vật

Cán bộ Huyện đội Đạ Tẻh cho biết: Tuần trước, khi hay tin Đại tướng từ trần, cụ Cắm tha thiết muốn ra Hà Nội để gặp lần cuối, tiếc rằng cụ bị cao huyết áp độ 2 cùng nhiều bệnh khác. Các bác sĩ nói đi máy bay, ô tô hay tàu lửa đường dài đều có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nghe vậy, cụ lặng người đi, nước mắt lưng tròng rồi lặng lẽ lập bàn thờ Đại tướng ngay tại nhà riêng. Cụ cẩn thận lau bức chân dung Đại tướng - món quà mà đồng đội tặng cụ nhân dịp mừng thọ 88 tuổi - rồi trang trọng đặt lên bàn thờ.

Nhiều hôm, cụ bần thần hàng tiếng đồng hồ bên bàn thờ, mắt nhắm nghiền, thỉnh thoảng lại nhủ thầm: “Nhớ lắm anh Văn ơi!”, “Anh Văn à, thế là anh theo Bác Hồ thật rồi!”. Rời bàn thờ, cụ lần giở những kỷ vật về Đại tướng và những tấm ảnh năm xưa tại khu rừng huyền thoại Trần Hưng Đạo. Người già khó rơi nước mắt, vậy mà khóe mắt cụ rưng rưng khi ôm trong tay chiếc áo khoác màu xám - kỷ vật Đại tướng tặng năm 2000.

“Khi vào thăm các cơ quan quân sự phía Nam, nghe tin cụ Tô Đình Cắm đang sống tại vùng quê nghèo ở Lâm Đồng, Đại tướng ngỏ ý muốn gặp. Chúng tôi lập tức mời cụ Cắm xuống TPHCM. Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ của vị tổng chỉ huy và người lính trẻ năm xưa thật xúc động” - một cán bộ Quân khu 7 nói. Cụ Cắm nhớ như in lần gặp cách đây 13 năm: “Anh Văn ôm mình thật chặt và hỏi bằng tiếng Tày: Tiến Lực à, lâu rồi không gặp, cậu già hơn mình rồi đấy. Sau khi xuất ngũ cậu làm gì? Cuộc sống bây giờ thế nào? Sao không đưa vợ đi cùng? Rồi anh cho mình chiếc áo khoác này. Mình cảm động không kìm được nước mắt”. Con trai cụ Cắm kể: “Hơn nửa thế kỷ mới gặp lại mà Đại tướng vẫn nhớ bí danh của bố, vẫn nói sõi tiếng của dân tộc Tày chúng tôi nên bố vui lắm. Bố gìn giữ chiếc áo cẩn thận như báu vật”.

Anh em một nhà

“Trước khi chia tay, anh Văn khuyên nhủ, dặn dò mình nhiều điều như từng dạy dỗ, dìu dắt các chiến sĩ trong Đội năm xưa. Quả thực không có anh Văn thì không có mình” - cụ Cắm tâm sự. Năm 1941, khi Việt Minh ra đời, chàng trai 19 tuổi Tô Đình Cắm hăng hái tham gia Hội Thanh niên Cứu quốc, tuyên truyền, vận động mọi người góp sức đánh đổ thực dân, phong kiến. Năm sau, Cắm được gặp anh Văn ở một lán trại dưới chân núi Slam Cao (rừng Trần Hưng Đạo) và trở thành một trong những chiến sĩ liên lạc của anh.

Cụ Cắm hồi tưởng: “Mới 6 tuổi mình đã mồ côi cha, gia đình lại nghèo khổ nên lớn lên trong cảnh thất học, chưa qua trường lớp quân sự bài bản và cũng chưa từng đánh trận đánh nào. Bù lại, mình thông thạo địa hình, am hiểu địch tình. Ngày ấy, anh Văn thương yêu, gần gũi với bọn mình như anh em một nhà; dạy chữ để có thể đọc tài liệu tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Tày, Nùng trong khi làm công tác tuyên truyền; hướng dẫn cách đi lại, giao tiếp, hòa nhập với đồng bào Dao, Mông… để phục vụ kháng chiến, cách tiếp cận những người bản địa bị Pháp chiêu dụ làm tay sai để thuyết phục họ quay về với chính nghĩa. Những lần ngủ chung lán, khi say giấc, mình thường gác chân lên người anh Văn. Sáng ra, anh cười bảo: “Chú mày gác làm anh không ngủ được”. Đêm sau, tôi chuyển ra bên ngoài, nhưng anh Văn gọi vào ngủ cùng vì sợ tôi bị muỗi đốt. Ngày ấy, ăn uống kham khổ lắm, thực phẩm chủ yếu là trái núi, rau rừng, thỉnh thoảng có bữa cá, bữa trứng cải thiện. Tôi ăn rất khỏe bởi bí danh của tôi là Tiến Lực mà! Có hôm được 5 quả trứng gà, anh Văn ăn 2 quả, đưa cho tôi 3 quả. Anh nói: Tiến Lực cố ăn cho khỏe để còn đi tuyên truyền, liên lạc”.

Mong viếng mộ anh Văn

“Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, lại thêm hoàn cảnh khó khăn khiến gia đình tôi trôi dạt vào tận vùng quê nghèo ở Tây Nguyên xa xôi, nên không nghĩ sẽ được gặp lại anh Văn. Vậy mà, anh vẫn nhớ đến tôi, nhờ người tìm tôi. Ân tình ấy và những kỷ niệm ấm áp trong những năm cùng sống chiến đấu bên anh suốt đời này tôi không thể quên. Tủi thay, khi anh mất, tôi lại không còn đủ sức đi viếng” – cụ Cắm vừa nói vừa chống gậy lê từng bước đến trước bàn thờ vuốt nhẹ lên tấm hình và thắp nén nhang tưởng nhớ anh Văn. Cụ Cắm nói rằng, mong ước lớn nhất hiện nay là sức khỏe hồi phục phần nào để ra Quảng Bình viếng mộ anh Văn và ngày 22/12 năm sau có thể về thăm lại rừng Trần Hưng Đạo, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

“Nghe tôi kể sau khi giải ngũ trở về làm nông dân bình thường, vì nhà nghèo nên con cái không được học hành đến nơi đến chốn nhưng vẫn chăm chỉ làm ăn, anh Văn căn dặn: Nghề nào cũng cao quý, miễn là chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Làm nông cũng cần có kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cho thu nhập cao hơn”, cụ Cắm nhớ lại.

Gần 92 tuổi mới được trao thẻ thương binh, nhưng cựu binh Tô Đình Cắm không một lời phàn nàn. “Bị thương từ 67 năm về trước, nhưng do cuộc sống vất vả và trải qua nhiều biến cố nên mình bị thất lạc giấy tờ chứng thương. Nay quân đội tin tưởng cấp thẻ cho mình là tốt rồi”- cụ Cắm nói.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Tô Đình Cắm vinh dự đứng trong hàng ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đội đã tham gia đánh đồn dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp và giành chiến thắng trong các trận ở Phay Khắt, Nà Ngần… Năm 1945, Cắm tham gia giải phóng Bắc Kạn, rồi gia nhập đoàn quân Nam tiến vào đóng quân tại Rạch Giá. Năm 1946, trong một trận chống càn của giặc Pháp, Cắm bị thương nặng phải quay trở ra Bắc điều trị dài ngày, rồi giải ngũ về địa phương. Năm sau, Cắm tình nguyện quay trở lại quân đội tham gia chiến đấu tại Bắc Kạn. Năm 1950, trong Chiến dịch Biên giới thu đông, khi tham gia đánh đồn Đông Khê lần thứ hai, Trung đội trưởng Trung đội Phòng không Tô Đình Cắm bị thương nặng và buộc phải rời quân ngũ, trở về bản Um tham gia công tác xã hội. Năm 1992, cụ Cắm cùng gia đình đi xây dựng vùng quê mới ở Lâm Đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG