Không chỉ đơn giản là màu sơn

TP - Đến giờ, màu sơn mới của Nhà hát Lớn Hà Nội đã được định đoạt. Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL vừa khẳng định, sẽ lấy màu được phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 làm chuẩn.?Trước đó ít ngày, một Thứ trưởng của Bộ đã chủ trì cuộc họp về việc này với lãnh đạo các Cục Di sản, Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Viện Bảo tồn di tích... Nghĩa là khá đầy đủ các cơ quan chuyên môn liên quan.

Xem ra những động thái có vẻ “to chuyện”, là bởi từ cách đây mấy tuần, người dân Hà Nội sững sờ trước vẻ khác lạ của Nhà hát Lớn, khi nó được phủ lên một màu sơn khá sặc sỡ: vàng chóe đan xen trắng lốp (mà có tờ báo nhận xét là “chói lòa”). Ngỡ bình thường, chỉ là một lớp sơn (?). Vả lại, những tưởng dân ta lâu nay quen lối đánh giá “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”?

Nhưng màu sơn khác thường hóa ra không đơn giản trong mắt người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Chính thế, những thanh minh, những phân trần, nào: đây là sơn nước đầu, và còn phải sơn tiếp một vài nước mới hoàn thành, nào: đây là sơn thử nghiệm - hình như càng làm dư luận dậy sóng. Nhiều phân tích mổ xẻ của các kiến trúc sư, họa sỹ, chuyên gia văn hóa.

GS Hoàng Đạo Kính, người trực tiếp chủ trì việc trùng tu Nhà hát Lớn lần đầu tiên vào năm 1996, thâm trầm: “Nhà hát Lớn đẹp ở sự quý phái chứ không phải ở màu sơn chói như thế”. Thời điểm ấy, việc chọn màu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn: phải là màu đặc trưng của các khu nhà Pháp cổ, phù hợp với màu của quảng trường. Khi ấy các kiến trúc sư hàng đầu của Việt Nam, chuyên gia Pháp cùng thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng VHTT Nguyễn Khoa Điềm, dù Nhà hát Lớn lúc này chưa được công nhận Di tích quốc gia.

Thở phào. Đã có một kết thúc có hậu. Lãnh đạo cấp bộ đã đứng ra sửa lại những hành động vội vàng, những tư duy đơn giản. Sự việc này cho thấy nhận thức thẩm mỹ của công chúng đã khác trước. Không chỉ là tốt gỗ, mà phải tốt cả nước sơn. 

Và không chỉ tốt, phải đẹp. Không chỉ đẹp, phải phù hợp, sang trọng. Sự việc này cũng bộc lộ, phản ứng của công luận và sự tiếp thu của cơ quan công quyền, cho thấy cơ chế giám sát trực tiếp của người dân đã hiệu lực hơn trước rất nhiều. Điều nữa cũng cần ghi nhận, là sự cầu thị và nhanh chóng sửa sai của cơ quan chức năng.

Đầu năm nay, Bưu điện TPHCM cũng đã phải sửa sai, sau việc vội vã sơn tòa nhà bưu điện 130 tuổi - cũng là một công trình từ thời Pháp thuộc- với một màu vàng đậm nặng chịch. Công luận phản ứng, phía bưu điện phải dừng việc sơn tòa nhà. Sau đó, công việc cũng đã hoàn thành với tiêu chuẩn màu sơn gần giống với những tư liệu, ký ức của người dân thành phố.

Vâng. Những công trình kiến trúc lâu đời, những hàng cây cổ thụ, những mặt nước sông hồ, những cây cầu trăm năm… chính là ký ức của thành phố cổ kính. Nhiều thế hệ gắn liền với những ký ức ấy. Đó cũng là ngọn nguồn của tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu nước.

Bởi vậy nên, màu sơn, không chỉ đơn giản là màu sơn.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.