Sau khi công bố danh sách, các ứng cử viên trên cả nước đã và đang thực hiện vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Theo ông, quá trình vận động bầu cử phải được diễn ra như thế nào để đảm bảo sự công bằng, đúng pháp luật?
Trước tiên, quá trình vận động bầu cử, hay hoạt động của đại biểu dân cử sau này phải được diễn ra bình đẳng, đúng pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng trong vận động bầu cử. Chẳng hạn, tôi là lãnh đạo của một ngành, hay một tỉnh, “quân” của tôi nhiều. Trong khi các đại biểu khác, mặc dù năng lực, uy tín cũng chẳng kém gì, nhưng về một địa phương, địa bàn mà ở đấy không có cơ sở, hay vẫn gọi là “chân rết” trong ngành mình phụ trách, phân công, nên cảm thấy yếu thế.
Đó là chưa kể một số tình trạng đã có trong thực tiễn, các ứng cử viên bằng con đường vận động không đúng pháp luật, như nhân dịp này tài trợ cho người dân, công bố tài trợ, vận động quyên góp, ủng hộ người nghèo, làm nhà tình nghĩa...
Việc vận động giúp người dân, đặc biệt với bộ phận dân nghèo, lá lành đùm lá rách là đạo lý, nhân nghĩa rất quý báu của dân tộc, nhưng việc này cần phải được tách bạch. Chúng ta không thiếu gì cơ hội để thực hiện việc đó. Đừng lợi dụng, gắn với việc vận động bầu cử để tranh thủ tình cảm, phiếu bầu, làm mất tính bình đẳng, khách quan trong bầu cử đi.
TS. Bùi Ðức Thụ |
Một trong những vấn đề nhức nhối là vào dịp bầu cử, các thế lực thù địch tung thông tin xấu độc nhằm phá hoại bầu cử. Việc này cần phải đấu tranh ra sao, thưa ông?
Phải đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh loại bỏ những thông tin, tài liệu xấu độc về bầu cử. Tuyên truyền về bầu cử chúng ta làm nhiều năm, nhưng điều quan trọng là phải bám sát vào tình hình thực tiễn. Tuyên truyền chung về Luật Bầu cử cũng như mục đích, ý nghĩa, yêu cầu…là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bám sát, xem tình hình ở địa phương này đang có bất cập, yêu cầu gì nổi lên xung quanh vấn đề bầu cử, xung quanh ứng cử viên, rồi quy trình, thủ tục, cơ chế, phương thức bầu cử ra sao.
Chúng ta phải tuyên truyền tốt để tạo sự nhận thức thống nhất về pháp luật giữa các tầng lớp nhân dân ở chính địa bàn, địa phương đó. Việc này sẽ góp phần giải quyết vướng mắc của người dân trong thực tiễn, tăng sự nhận thức đúng đắn về pháp luật và tăng ý thức của người dân về bầu cử. Xin lưu ý, bầu cử không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của cử tri trong việc xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân.
Trong mỗi kỳ bầu cử cũng như dịp Đại hội Đảng vừa qua là bài học rất rõ. Các thế lực thù địch thường lợi dụng dịp này để tung ra rất nhiều thông tin sai lệch nhằm vào người này, người kia, gây mất đoàn kết. Qua theo dõi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp những khoá vừa qua, chúng tôi thấy cũng có tình trạng này. Các thế lực thù địch trong điều kiện tin học, mạng xã hội phát triển như hiện nay đã luôn triệt để lợi dụng, kích động, tung các tài liệu xấu độc để phá hoại bầu cử.
Vì vậy, cần phải có hệ thống tuyên truyền, đấu tranh hiệu quả. Các ngành, các cấp cần vào cuộc xử lý kịp thời. Không thể để tình trạng xuyên tạc, vu khống xảy ra, ảnh hưởng đến quá trình bầu cử. Không để người tài, đức bị xuyên tạc, vu khống và có khi bị loại, còn kẻ cơ hội lại lọt vào cơ quan dân cử.
Để lựa chọn được đại biểu thực sự có tâm, có tầm, có cần làm rõ vai trò của chính cơ quan đề cử?
Để lựa chọn đại biểu dân cử có chất lượng, phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức giới thiệu và các tổ chức thực hiện bầu cử. Đối với đại biểu dân cử được làm công khai qua nhiều khâu, nhiều bước với rất nhiều quy trình. Mặc dù đã dân chủ, công khai, minh bạch và có cải cách nhiều, nhưng như thế cũng không có nghĩa là 100% ứng cử viên, những người sau này trở thành đại biểu dân cử đều được chọn trúng và đúng. Vẫn còn có tỷ lệ nào đó chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như sự kỳ vọng của cử tri.
Khắc phục tình trạng này, cơ quan tổ chức giới thiệu phải chịu trách nhiệm về chất lượng của đại biểu. Sau này nếu phát hiện ra đại biểu này vi phạm pháp luật, tham nhũng, kê khai tài sản không đúng, hay có nhiều quốc tịch mà không khai báo…thì cơ quan, tổ chức giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm. Việc này cần phải làm minh bạch, rõ ràng.
Một vấn đề thường được nhắc đến là tình trạng bầu hộ, bầu thay, giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Phải tổ chức như thế nào đó để người dân không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm mà phải hiểu rõ từng ứng viên trước khi gạch ai, bầu ai. Việc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 23/5 tới đây là bầu cử bốn cấp. Tính cả số dư thì số lượng đại biểu ứng cử rất nhiều, với trích ngang hồ sơ, lý lịch, quá trình công tác… Trong khi đó, người dân lại lo đi làm ăn, lo công việc gia đình, nhất là trong thời điểm khó khăn, dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, cử tri có tìm hiểu, nắm bắt hết được không? Nhiều cử tri không nhớ hết được tường tận từng ứng cử viên. Đến khi bầu cử mới đọc, dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cử tri “gạch” theo cảm tính.