Phút trải lòng của Tân Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

0:00 / 0:00
0:00
Phút trải lòng của Tân Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường
TP - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, người nổi tiếng với sự kiện tuyển chọn bí thư huyện ủy, vừa được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Có người nói, ông chuyển từ “vai” hành động sang vị trí tĩnh lặng hơn. Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông về những gì đã trải qua và thách thức sẽ đối mặt trên cương vị mới.

Bí thư Tỉnh ủy phải từ bỏ đặc quyền

Cuộc tuyển chọn Bí thư huyện Lắk và Buôn Đôn hẳn khiến ông từng đau đầu. Thế nhưng, đúng như tinh thần ông từng phê phán mẫu cán bộ lúc nào cũng máy móc câu cửa miệng “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”, vậy với nhân sự mới kiểu “đột phá” này, sau 1 năm, ông thấy sao?

Phút trải lòng của Tân Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ảnh 1

Bí thư Bùi Văn Cường và Thường vụ tỉnh ủy Đắk Lắk đang nghe ứng viên Võ Ngọc Tuyên trình bày “nếu tôi là bí thư huyện ủy”

- Việc thí điểm tuyển chọn bí thư huyện ủy lần đầu tiên được thực hiện tại Đắk Lắk để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong dư luận xã hội cả nước và nhân dân toàn tỉnh; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng theo phương châm “chọn người tài, không chọn người nhà”. Có thể thấy cái mới bao giờ cũng có ý kiến khác nhau, nhất là khi đụng chạm lợi ích nhóm (nếu có).

Tuy nhiên, đa số các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đồng thuận và thống nhất cao. Bởi vì làm điều đó sẽ đánh giá đúng đắn nhất năng lực của cán bộ, lựa chọn được cán bộ xuất sắc nhất, đủ đức, đủ tài cho vị trí quan trọng nhất của huyện.

Chưa hết, đó cũng là giải pháp chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy phải từ bỏ đặc quyền lựa chọn “tiến cử” của mình để cho cả tập thể “lựa chọn” vì cái chung.

Đến thời điểm này, càng khẳng định đó là cách làm đúng đắn. Đồng chí Võ Ngọc Tuyên được lựa chọn về làm Bí thư huyện Lắk đã làm được nhiều việc cho địa phương.

Huyện Lắk đã đẩy mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp; gần đây nhất huyện đã tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư, thu hút gần 40 dự án - điều mà trước đây huyện này có nằm mơ cũng không thấy. Những việc làm đó minh chứng rõ nét nhất cho việc “chọn đúng cán bộ thì dân được nhờ” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Có vẻ như ông chuyển công tác khi Đắk Lắk đang tấp nập các nhà đầu tư tới đặt vấn đề triển khai dự án, có điều gì tiếc nuối khi thành tựu đang đến mà người lại đi không, thưa ông?

- Đảng phân công bất cứ việc gì tôi cũng cố gắng hoàn thành với trách nhiệm cao nhất. Do đó, tôi không băn khoăn gì. Tôi chỉ tiếc thời gian làm việc chưa đủ dài để cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đưa tỉnh phát triển nhanh hơn nữa; thực sự phải trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Nếu tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi tin rằng sẽ làm được nhiều việc hơn cho người dân Đắk Lắk. Song trên cương vị mới rất quan trọng và nặng nề này, tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa, để không phụ lòng tin của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã lựa chọn mình.

Hãy để người dân đánh giá

Những năm tháng ở Tây Nguyên, ông có nghĩ mình “đi dân nhớ, ở dân thương” không?

Điều đó hãy để người dân đánh giá. Nhà báo có thể hỏi người dân. Riêng cá nhân mình, trong mọi công việc, tôi chỉ biết toàn tâm toàn ý vì sự phát triển chung, vì sự phồn vinh của người dân. Quá trình công tác, tôi cũng cảm nhận được sự tin tưởng của nhân dân với người đứng đầu cấp ủy của tỉnh.

Thời gian chưa đủ dài để cho mình cùng với các đồng chí lãnh đạo khác của tỉnh làm được nhiều việc thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho nhân dân địa phương, thúc đẩy phát triển tỉnh với các “sản phẩm” cụ thể theo mong đợi của người dân như Đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang...

Trên cương vị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông có sợ mình bị tẻ nhạt so đời sống chính trị sôi động ở địa phương?

- Tôi không cho như vậy, bởi lẽ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, luôn đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân.

Nếu say mê với công việc, sẽ thấy thú vị với việc mình đang đảm nhiệm và sẽ tham mưu đề xuất được nhiều việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, phải cố gắng hết sức, làm tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của các đại biểu Quốc hội đã lựa chọn mình.

Phút trải lòng của Tân Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ảnh 2

Tôi đã trải qua 9 cơ quan khác nhau trong gần 32 năm công tác của mình và đã có kinh nghiệm tiếp nhận nhiệm vụ mới. Do đó, tôi sẽ cố gắng không để mất quá nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, nắm bắt công việc mới, đồng thời học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các đồng chí lãnh đạo, các bậc đàn anh đi trước và đồng nghiệp. Ông Bùi Văn Cường

Làm sao để Quốc hội giám sát hiệu quả?

Tới đây, Văn phòng Quốc hội có nhiều thay đổi không, thưa ông? Tên Phòng họp Diên Hồng trong trụ sở có lẽ như một lời nhắc đối với những ĐBQH và cả những người điều hành Quốc hội về vai trò của mình?

- Tôi cho rằng, quá trình phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị... luôn đòi hỏi sự đổi mới để hoàn thiện và ngày càng tốt hơn. Văn phòng Quốc hội đương nhiên cũng đòi hỏi như vậy, nhưng cần phải tìm hiểu, phân tích, tổng kết, đánh giá; cái gì đang tốt sẽ phát huy, hạn chế thì phải sửa chữa, khắc phục và nếu cần cho sự phát triển thì phải thay đổi.

Do vậy, nói rằng Văn phòng Quốc hội sẽ đổi mới như câu hỏi, e rằng là quá sớm và chủ quan. Tới đây, các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các vụ đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội sẽ xem xét đánh giá kỹ việc thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ XIV; trên cơ sở đó, chuẩn bị thật tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ XV.

Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, 56 tuổi, Tiến sỹ Kỹ thuật khoa học hàng hải. Trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Cường giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phòng họp Diên Hồng của Quốc hội mang tên giàu ý nghĩa. Tên gọi này nhắc chúng ta về lịch sử hào hùng của dân tộc; nhắc lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải vì nước vì dân, luôn tập trung trí tuệ, hiến kế để phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phút trải lòng của Tân Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ảnh 3

Các đại biểu bấm nút biểu quyết

Nghị trường gần đây luôn nóng bỏng các phiên chất vấn, làm sao luôn giữ được điều này nhưng vẫn tiệm cận được các vấn đề quốc kế dân sinh, thưa Tổng Thư ký Quốc hội?

- Theo lẽ thông thường, hoạt động khoá sau sẽ tốt hơn khoá trước, bởi đã có “đà” và đã có kinh nghiệm từ các hoạt động hiệu quả của khoá trước. Chất vấn là hoạt động giám sát của Quốc hội. Đây là hoạt động luôn được người dân quan tâm theo dõi. Vấn đề chất vấn phải có tính thời sự, phải trúng, phải đúng đời sống xã hội, mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang chỉ đạo xây dựng chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong nhiều việc phải làm, Quốc hội sẽ chú trọng thực hiện nhiệm vụ giám sát (nhất là giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn). Việc này nhằm giúp cho giám sát của Quốc hội ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Việc chất vấn đến tận cùng vấn đề làm cho nghị trường sôi động và việc thực thi pháp luật ngày càng tốt hơn, khẳng định rõ nét vai trò vị trí của Quốc hội trong đời sống chính trị của nước ta.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.