“Trăng chỉ dành cho các bà, các ông, cho đám trẻ thơ đang múa hát đón chị Hằng mà không sao quen được với sự tất bật của người thành thị... Trăng không làm lung linh thêm cho cảnh vật ở phố phường nhưng trăng làm cho tôi và cho đám trẻ trong khu như thấy được sự êm ả, hiền dịu giữa chốn phồn hoa”.
Đúng là khó mà cảm nhận được vẻ đẹp của đô thị, nếu không kiên nhẫn chờ thời khắc nhất định. Giữa đèn điện, khói mù, tiếng ồn, em học sinh vẫn nhìn thấy trăng và sương, đáng phục.
Một đêm trực khuya ở tòa soạn, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại từ thị xã Từ Sơn- Bắc Ninh: Cứu chúng tôi. Ốm hết rồi các anh ơi. 50 mét mà không nhìn thấy gì. Khói dày, khó thở quá.
May quá, ngay sáng hôm sau, cả miền Bắc mưa. Tan hết khói đốt đồng. Trời có gió nên người Hà Nội và Bắc Ninh dễ thở hẳn. Để thấy rằng, đô thị có thể tự xây cho mình những tòa chung cư cao ngang tầng mây khói nhưng không thể thoát khỏi… làn khói đốt rơm.
Đô thị cũng không thoát được làn khói khác: khói từ hầm chứa rác. Một que diêm vứt vào đó, khói quật ngược lên từng tầng, cả khu đô thị khốn đốn. Cũng ở đô thị, tại những khu tập thể cũ, người ta vẫn cong mông quạt phành phạch để đốt than tổ ong. Ngày ba bữa như vậy. Không đứa trẻ nào dám ở nhà lâu.
Ngay rìa thành phố, 1.300 lò gạch thủ công nhả khói ầm ầm. Chủ tịch thành phố Hà Nội nhắc nhở thị xã Sơn Tây và nhiều huyện vì đã “nhắm mắt” trước lò gạch. Khói cay xè, mùi các - bon - níc nồng nặc, các vị nhắm mắt, thì con em các vị ấy phải nhịn thở khi sống ở đó.
Đời sống đô thị mong manh như làn khói. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng dặn “làn khói ấy rất đáng để nhà văn trẻ chú ý”. Nhưng đó là nghĩa bóng, còn nghĩa đen thì đã có nhà văn đưa khói đốt đồng vào tác phẩm.
Một làn khói cay xè nghiệt ngã khác với khói mơ tan, khói lam chiều, mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng… thuở trước.