Khởi công mở rộng đèo Prenn, gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự án với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng vừa được khởi công để mở rộng gấp đôi đèo Prenn. Con đèo này đẹp nhưng quá hẹp, quanh co, khúc khuỷu, dễ xảy ra tai nạn bậc nhất Việt Nam.
Khởi công mở rộng đèo Prenn, gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt ảnh 1

Việc thi công mở rộng đèo Prenn được tiến hành khẩn trương

Ngày 10/2, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn. Đây là tuyến cửa ngõ ra vào TP.Đà Lạt; kết nối với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, huyết mạch giao thương giữa Lâm Đồng với TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Khởi công mở rộng đèo Prenn, gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt ảnh 2

Các đại biểu bấm nút khởi công dự án mở rộng đèo Prenn

Hiện đèo Prenn đi qua khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở, mặt đường hẹp với nhiều đoạn tuyến quanh co, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông, gây mất an toàn.

Khởi công mở rộng đèo Prenn, gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt ảnh 3

Du khách nườm nượp lên Đà Lạt dịp Tết Nguyên đán 2023

Tại lễ khởi công, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định tốc độ phát triển kinh tế nhanh khiến nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao; lưu lượng xe cộ lớn, tất yếu xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là dịp lễ, Tết.

Trước tình hình đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đèo Prenn hết sức cần thiết, cấp bách và mang tầm chiến lược. UBND tỉnh Lâm Đồng đã trích ngân sách địa phương để triển khai dự án mở rộng tuyến đường, vừa để đảm bảo an toàn giao thông vừa mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển giao thương kinh tế, du lịch cho địa phương.

Khởi công mở rộng đèo Prenn, gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt ảnh 4

Đèo Prenn khúc khuỷu, mặt đường hẹp

Đây là công trình giao thông cấp III miền núi, có chiều dài khoảng 7,37km, điểm đầu tại Km221+680 (chân đèo Prenn) và điểm cuối tại Km229+049,74 thuộc quốc lộ 20 (nút giao vào bến xe liên tỉnh Đà Lạt).

Về phương án thiết kế kỹ thuật, nền đường được mở rộng từ 9m lên 15,5m; trong đó mặt đường rộng 14,5m, lề gia cố 2 bên mỗi bên rộng 0,5m. Trên tuyến có 2 cầu, gồm 1 cầu được làm mới tại Km225+800 với chiều dài 120m; chiếc cầu còn lại được mở rộng từ cây cầu hiện hữu tại Km221 có 3 dầm bản dài 20m.

Công trình có địa hình phức tạp, thách thức về mặt kỹ thuật như trụ cầu cao hàng chục mét, hệ tường chắn taluy âm bằng bê tông cốt thép có vị trí cao đến 8m nằm trên hệ móng cọc khoan nhồi D800 ngậm sâu vào đá từ 4 - 5m.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho hay, liên danh công ty cùng các đơn vị thành viên trong hệ thống Đèo Cả sẽ tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ, quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ (cuối năm 2023), tạo tiền đề sớm kết nối vào dự án tuyến cao tốc Liên Khương-Dầu Giây.

Khởi công mở rộng đèo Prenn, gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt ảnh 5

Chân đèo Prenn sẽ nối với điểm cuối của cao tốc Liên Khương-Prenn

Ngay sau khi có kết quả trúng thầu, nhà thầu đã triển khai các công tác chuẩn bị, điều động và bố trí hơn 200 kỹ sư trình độ cao, công nhân lành nghề cùng hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tổ chức 10 mũi thi công (5 mũi thi công đường, 5 mũi thi công cầu, tường chắn) để triển khai ngay sau lễ khởi công.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.