Cần doanh nghiệp chung tay
Theo thống kê của Hiệp hội bia- rượu và nước giải khát Việt Nam, năm 2014, tổng sản lượng rượu công nghiệp đạt khoảng 67 triệu lít, hầu như không tăng so với năm 2013 (khoảng 66,8 triệu lít). Trong khi đó, rượu phi thương mại, rất khó để kiểm soát vẫn còn phổ biến, ước tính lên tới 200 triệu lít, gấp 3 lần rượu công nghiệp. Đặc biệt, lượng rượu giả, rượu nhái và không chịu sự quản lý của nhà nước hiện nay có thể chiếm tới 50% so với rượu thật. Để phòng chống rượu giả, rượu nhái rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái được đánh giá là đang diễn ra rất nghiêm trọng. Từ hàng cao cấp đến hàng bình dân đều bị làm giả. “Không có mặt hàng gì là không thể làm giả. Thậm chí, chúng tôi có 3 tem chống hàng giả đều bị làm giả. Sản phẩm nào tiêu thụ tốt thường dễ bị làm giả”, ông Thịnh nói. Vì vậy, theo ông Thịnh, ngoài nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm chống hàng giả.
Ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Cty CP Cồn Rượu Hà Nội (Halico) cho biết, việc chống rượu giả không chỉ bảo vệ uy tín và lợi ích doanh nghiệp, đó còn là trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, để phòng chống hàng giả, hàng nhái, Halico đã đầu tư nhà máy hiện đại sử dụng công nghệ châu Âu để đóng chai, dán nhãn, khiến những cơ sở sản xuất hàng giả khó có thể sao chép thủ công. Đồng thời, công ty cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. “Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ độc quyền với các nhãn hiệu của mình. Nút chai được thiết kế hiện đại, những nút đã mở không thể tái sử dụng được”, ông Lợi nói. Ngoài ra, theo ông Lợi, Halico đã thay đổi mẫu mã sản phẩm để qua đó loại bỏ những mẫu chai kiểu cũ có thể bị các đối tượng làm rượu giả, rượu nhái thu mua để tái sử dụng.
Cách phân biệt rượu thật- giả
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu và nước giải khát Việt Nam cho biết, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng rất cần sự chung tay của cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Ông Việt dẫn chứng, như với sản phẩm rượu, nhà sản xuất nên có cách hủy vỏ chai cũ, hoặc thu mua lại vỏ chai, tránh trường hợp những vỏ chai dùng rồi được tái chế để đựng rượu giả, nhái. Ngoài ra, nên cập nhật công nghệ chống hàng giả lên vỏ chai để người tiêu dùng có thể dễ dàng phát hiện. Theo ông Việt, những sản phẩm bán chạy trên thị trường khó tránh bị làm giả, nhái, chỉ là sớm hay muộn. Vì vậy, nhà sản xuất cũng cần chủ động trong cuộc chiến chống rượu giả, nhái.
Theo ông Việt, người tiêu dùng nên biết một số phương pháp nhận biết rượu thật - giả, tránh tình trạng “mang tiền thật mua phải hàng giả”, như: Mức rượu trong chai, thường rượu thật mức rượu sẽ đều nhau giữa các chai vì được đóng bằng dây chuyền tự động, trong khi rượu giả mức rượu trong chai không đều vì làm thủ công. Đặc biệt, rượu giả, nhái đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật, qua quá trình tẩy rửa, nhãn trên chai có thể bị trầy xước, bong tróc, hoặc nhãn thiếu sắc nét so với chai rượu thật. Khi mở nắp, chai rượu thật dễ mở, rãnh đứt sắc nét, có tiếng tách rất gọn, rượu giả khó được như vậy. Khi uống, rượu giả có mùi cồn hoặc mùi sơn móng tay (acetone) khá nặng, vị hơi đắng, trong khi rượu thật sẽ thơm, vị dịu nhẹ…