Phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 7/11, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Điều 36, khoản 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp xã là giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân… theo quy định của pháp luật. Nhưng thật nghịch lý, khi có chỗ, có nơi, người đứng đầu cấp xã luôn lánh mặt nơi công sở, và đôi khi chính họ còn là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại tố cáo.
Về nhận định này tôi xin minh chứng bằng việc như sau: Đó là một vụ việc xảy ra tại một địa phương, thuộc thị trấn huyện của một tỉnh miền núi. Vụ việc bắt đầu vào ngày 9/ 3/2016, khi ông chủ tịch xã xây dựng một bức tường chắn ngang hết đường đi của một gia đình phía bên trong. Đây là con đường dân sinh có trong bản đồ và sát khu vườn của gia đình ông Chủ tịch xã. Đây cũng là con đường duy nhất để hộ gia đình đó đi ra đường lớn, và thực tế họ đã đi lại trong hàng chục năm qua. Trước năm 1980, chính họ đã phải bỏ tiền ra mua lại 15m đường từ hợp tác xã để thuận lợi cho việc đi lại.
Điều đáng phải suy ngẫm nữa là gia đình bị ông chủ tịch xã “cô lập đường đi” là một phụ nữ gần 70 tuổi, đã từng bị đột quỵ sau khi chồng chết. Hằng ngày bà cụ phải chống gậy mới đi lại được. Cô con gái của bà cũng đã hơn 40 tuổi và là người khuyết tật. Người chủ gia đình cũng là người đang có trách nhiệm thờ cúng liệt sỹ là em trai chồng. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã có đơn thư nhiều nơi, thôn xóm cũng đã hòa giải nhưng mà làm sao mà hòa giải với ông chủ tịch xã được.
Thế nhưng, 22 ngày trước ngày bầu cử, do lo ngại, không yên tâm nên ông chủ tịch xã đã đến gia đình người phụ nữ kia xin lỗi và tự đập bỏ bức tường. Tuy nhiên, vụ việc chưa dừng ở đấy. Thấy ông chủ tịch xã làm được, một người hàng xóm khác cũng đã chặt tre chặn đường, bịt lối không cho gia đình người phụ nữ kia đi với lý do “đất này của nhà tôi, tôi có quyền rào”. Như vậy, ở đây có thể hiểu ngầm là đã có sự thỏa thuận giữa ông chủ tịch xã và người hàng xóm để làm việc này. Bản thân ông chủ tịch xã hằng ngày vẫn đi đến nhà người hàng xóm kia, gửi xe ở đó rồi vào mảnh vườn canh tác của mình.
Đến nay, qua gần 2 năm, gia đình phải tìm lối đi khác qua thửa ruộng. Tuy nhiên, khi trời mưa, trơn trượt, người phụ nữ và cô con gái khuyết tật không thể đi lại được. Vì thế, đôi khi ốm đau bệnh tật cũng đành chịu, phó mặc cho số phận. Sự việc ai cũng thấy đau lòng, đau đớn.
Nguyên nhân dẫn đến đau đớn ở đây là người đứng đầu cấp xã đã không thực hiện thẩm quyền mà pháp luật đã trao cho họ. Tôi và đồng chí bí thư tỉnh ủy tỉnh này đã đến đây thị sát. Đồng chí bí thư cũng đã có chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay vụ việc vẫn rất bộn bề.
Phát biểu của tôi trong một vụ việc cụ thể là một “khoảng tối” trong một vùng sáng rất rộng. Và không biết đâu đó còn có những vụ việc tương tự như thế này không? Điều đáng tiếc là sau khi vụ việc xảy ra, vị chủ tịch đó vẫn cứ yên vị với vị trí công tác, với nhiệm vụ quyền hạn được pháp luật trao.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là khó và vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, nếu vụ việc không được giải quyết từ cấp cơ sở, người đứng đầu cơ sở thiếu ý thức về tinh thần và trách nhiệm thì việc giải quyết và xử lý thật là khó. Do vậy, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát. Những trường hợp không có hy vọng sửa chữa thì phải thay thế, cho từ chức, có như thế mới lấy lại niềm tin của người dân đối với cấp chính quyền cơ sở.
“Nguyên nhân dẫn đến đau đớn ở đây là người đứng đầu cấp xã đã không thực hiện thẩm quyền mà pháp luật đã trao cho họ. Tôi và đồng chí bí thư tỉnh ủy tỉnh này đã đến đây thị sát. Đồng chí bí thư cũng đã có chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay vụ việc vẫn rất bộn bề”.
Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội