Cầm trên tay suất cơm từ thiện được phát lúc giữa trưa, bà Trương Thị Minh (67 tuổi, quê ở xóm Dinh, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) rơm rớm nước mắt: “Thèm cảm giác được gần con cháu trong ngày Tết”. Xuống thành phố Vinh chạy thận từ năm 2018, đến nay đã là cái Tết thứ 4 bà xa gia đình.
Cơ thể thiếu chất, độc tố ngày một tích tụ nhiều, sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau những lần lọc máu, cơ thể ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, tay bà Minh nổi hạch, thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ, nhiều đêm không ngủ.
Bà Minh bảo: “Năm nay dịch Covid-19 hoành hành, ai cũng lo lắng, không dám đi ra ngoài, chỉ biết trốn trong nhà, đến ngày chạy thận thì qua viện. Những ngày cuối năm, thấy người người, nhà nhà rạo rực về quê đón Tết, lòng tôi lại xốn xang, chỉ ước được về nhà sum vầy cùng con cháu nhưng lịch chạy thận của tôi vào đúng ngày 30 Tết nên đành chịu”.
.Con cái lập gia đình làm ăn xa nên ông Trương Công Bảy (73 tuổi, chồng bà Minh) cũng đành “nhập cư” ở xóm chạy thận này để tiện chăm sóc vợ. Hằng ngày, ông Bảy đi lặt ve chai bán kiếm thêm tiền lo tiền thuốc men, sinh hoạt hàng ngày. Đôi vợ chồng già nương tựa vào nhau chống chọi với bệnh tật.
Nụ cười hiếm hoi của bà Minh sau chạy thận.
Không riêng bà Minh, “xóm chạy thận” còn có 14 người cùng hoàn cảnh. Họ, những phận đời khác nhau nhưng đều chung cái nghèo và mang trong mình bệnh trọng. Tất cả đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, chu kỳ cứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt.
Ngoài việc chạy thận 3 lần/ tuần ở bệnh viện, ông Hường và những bệnh nhân khác đều phải mua thêm thuốc để uống.
Trong “xóm chạy thận”, người già có, người trẻ cũng không ít. Có những chàng trai, cô gái 9X cũng đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Ánh mắt họ chất chứa bao nỗi niềm và cả sự bất lực. Trong ảnh, anh Kha Văn Giáp (SN 1991, trú ở huyện Tương Dương) bị suy thận giai đoạn cuối. Đây là cái Tết thứ 4 anh Giáp ăn Tết xa nhà.