Liên quan đến tình trạng cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bị chết những ngày qua, ngày 2/6, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã thông tin về các vấn đề liên quan.
Cá chết chủ yếu nằm sát bờ. Ảnh: Tuệ Mẫn |
Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết sau khi nắm bắt thông tin về sự cố cá chết, ngày 31/5, Chi cục phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Biên Hòa, UBND phường Hiệp Hòa cùng Hội Nông dân phường Hiệp Hòa xuống bè cá rà soát thực tế, để nắm tình hình.
Qua khảo sát, đoàn công tác đã ghi nhận hiện tượng cá chết rải rác xảy ra khoảng từ ngày 10/5, và chủ yếu là các hộ nuôi cá lồng bè gần bờ.
Các loại cá chết chủ yếu là cá chép, trắm cỏ (cá thương phẩm cỡ lớn, trung bình 5-7 kg/con).
Tổng số cá thiệt hại trong 20 ngày qua của các hộ dân trên bè lên đến khoảng 40-50 tấn (khoảng 4%/ tổng sản lượng cá đạt kích cỡ thu hoạch hiện tồn trong lồng bè nuôi).
Hộ cá chết nhiều khoảng 100kg - 300kg/ngày, còn ở hộ ít từ 10-15 kg/ngày.
Lực lượng chức năng cũng xác định cá không chết đột ngột, mà có hiện tượng lờ đờ rồi bỏ ăn và chết dần.
Một số hộ dân tranh thủ thu gom số cá yếu chưa chết, đưa đi tiêu thụ với mức giá từ 20.000 -30.000 đồng/kg. Ngành chức năng cũng khẳng định chưa xảy ra hiện tượng cá chết trắng bè, mà mới chỉ chết lác đác.
Ngoài ra, cán bộ Chi cục Thủy sản cũng đã kiểm tra nhanh một số thông số tại hiện trường khu vực nuôi cá bè. Kết quả cho thấy lượng oxy hòa tan trong một số bè nuôi (hộ Nguyễn Hồng Vy, Hoàng Văn Hằng, Phan Khắc Bình) dao động 1,7 -1,85mg/l, dòng chảy 0 m/s, pH = 6.8-7.0. Tại các vị trí giữa dòng sông ghi nhận lượng oxy hòa tan là 2,1 ml/g, vận tốc dòng chảy 0,1m/s, pH = 7.
Cá chết những ngày qua. Ảnh: Tuệ Mẫn |
Đồng thời, Chi cục Thủy sản đã lấy mẫu nước gửi phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, tảo, thuốc trừ sâu, kim loại nặng. Bước đầu, Chi cục nhận định cá chết do hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp dưới ngưỡng giới hạn cho phép.
Đặc biệt do từ đầu tháng 5, thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, do đó môi trường thường có những biến động bất thường vì ảnh hưởng của thời tiết, gây ảnh hưởng đến cá nuôi. Ngoài ra giữa các bè, lồng, xổng, bố trí san sát nhau, gần như không có khoảng cách. Điều này làm cản trở sự lưu thông dòng chảy, thể hiện qua kết quả đo vận tốc dòng chảy trong các bè gần như bằng 0 m/s.
Ngoài ra, tình hình tiêu thụ cá chép, trắm nuôi bè bị chững lại từ sau Tết nguyên đán, do thương lái thu mua chậm, khiến cá thương phẩm đến ngày thu hoạch bị dồn lại nhiều, càng khiến cho mật độ cá dày hơn, nhu cầu tiêu thụ oxy càng lớn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá bị chết. Hiện thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, để ngăn ngừa các thiệt hại có thể xảy ra tiếp, Chi cục Thủy sản đã đề nghị TP.Biên Hoà tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi cá bè thực hiện tốt các khuyến cáo về nuôi thủy sản trong lồng bè, để người nuôi áp dụng và điều chỉnh các phương thức quản lý, chăm sóc cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Chi cục Thủy sản Đồng Nai khuyến cáo người nuôi cá tăng cường các thiết bị sục khí, quạt nước… để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước. Bố trí đồng đều các vòi sục khí, bảo đảm kích thước bọt khí nhỏ, đều và cường độ sục khí vừa phải, không làm cá tập trung cục bộ, cũng như giúp tăng sự hòa tan của dưỡng khí vào nước.
Người nuôi cần theo dõi, giảm từ 50% lượng thức ăn đến ngừng cho cá ăn hoàn toàn ở những thời điểm môi trường nước nắng nóng, cũng như khi nước đứng (đặc biệt vào ban đêm). Định kỳ vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ để loại bỏ các sinh vật, rong tảo bám vào mắt lưới, giúp nước lưu thông vào bè tốt hơn, nhằm bảo đảm dòng chảy thông thoáng, tăng cường khả năng trao đổi nước trong bè, lồng.
Chú ý sự biến động pH trước và sau mưa; có thể treo túi muối (NaCl) hoặc vôi nông nghiệp (CaCO3) đầu bè, trước dòng chảy với liều lượng: vôi 2 – 5 kg/túi, muối 10 – 20 kg/túi. Định kỳ 10 – 15 ngày/lần. Đồng thời thu gom cá chết lên bờ và xử lý vôi bột, không vứt ra môi trường làm tăng nguy cơ ô nhiễm cục bộ, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, kí sinh trùng phát triển gây bệnh cho cá.