Các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất xây loạt cầu, đường tránh 'ngăn sông cách chợ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh phối hợp nghiên cứu triển khai xây dựng hàng loạt cầu, đường. Các dự án đường giao thông liên kết vùng ra đời nhằm giúp người dân các tỉnh này thoát cảnh “ngăn sông cách chợ” bởi địa lý, thuộc tiện đi lại, phát triển kinh tế.

Mở đường thẳng từ Bình Dương đến Campuchia

Ngày 2/6, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này và tỉnh Tây Ninh đã thống nhất tăng cường hợp tác đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối vùng; triển khai các nội dung liên quan quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa; thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối từ đường ĐT 789 (Tây Ninh) với đường ĐT 744 (Bình Dương) trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, lựa chọn đầu tư 1 dự án kết nối và khởi công trong giai đoạn 2024 - 2025.

Phía tỉnh Bình Dương đề xuất và được Tây Ninh tán thành về việc hai địa phương hợp tác với chiến lược kết nối và phát triển theo hành lang logistics chiến lược, từ Tây Ninh hình thành hành lang công nghiệp Phnom Penh - Tây Ninh đến Bình Dương 30km và kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai) 60km. Mở một tuyến đường 10 làn xe để kết nối công nghiệp giữa Tây Ninh và Bình Dương.

Tuyến đường 10 làn xe sẽ nối từ huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), qua huyện Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu và kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh đi qua một số khu công nghiệp, qua đó sẽ kết hợp phát triển các khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại Tây Ninh.

Các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất xây loạt cầu, đường tránh 'ngăn sông cách chợ' ảnh 1

Tuyến đường ven sông Thị Tính được xây dựng đi qua cầu Mới nối Bình Dương và Tây Ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, ý tưởng làm tuyến đường 10 làn xe kết nối công nghiệp Tây Ninh và Bình Dương lần đầu được công bố, nhưng trước đó lãnh đạo hai địa phương, các doanh nghiệp đã có những nghiên cứu, khảo sát với mong muốn tạo sức bật cho phát triển.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã lên kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị, xóa đường đất đối với các tuyến ngõ, hẻm; quy hoạch trục giao thông dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Tính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết thêm, Tây Ninh là tỉnh ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Bình Dương. Theo đó, Bình Dương và Tây Ninh cùng nghiên cứu các đề xuất làm đường, làm khu liên hợp công nghiệp – đô thị - dịch vụ để đưa vào trong quy hoạch của hai tỉnh.

Trong kế hoạch, Bình Dương sẽ xây dựng mạng lưới giao thông trục chính đô thị hiện hữu kết nối đô thị theo hướng Bắc Nam gồm Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng (lộ giới 64m), ĐT 741 (lộ giới 54m), ĐT 748 (lộ giới 42m), ĐT 744 (lộ giới 42m), ĐT 749A (lộ giới 42m) đầu tư nâng cấp, mở rộng lộ giới theo quy hoạch.

Xây dựng Cầu Đò mới (xã An Điền, thị xã Bến Cát, Bình Dương) bắc ngang sông Thị Tính với quy mô rộng tới 20m, 4 làn xe cơ giới, dài hơn 165m. Ngoài ra, còn có đường dốc cầu và đường nối vào cầu rộng 25m.

Các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất xây loạt cầu, đường tránh 'ngăn sông cách chợ' ảnh 2

Bình Dương xây tuyến đường dọc sông Thị Tính đoạn thị xã Bến Cát

Cầu kết nối đường ĐT 748 với quốc lộ 13. Cầu mới sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu, tạo sự lưu thông thuận tiện từ tỉnh Tây Ninh và các huyện, thị phía Bắc về phía Nam của tỉnh Bình Dương (hướng về TPHCM). Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 213 tỷ đồng. Ngoài ra, xây dựng tuyến bờ kè sông Thị Tính dài hơn 1,2 km chạy dưới chân cầu mới để tránh xói lở, tạo cảnh quan cho khu vực và điểm vui chơi giải trí cho người dân.

Xây trục đường dọc sông Sài Gòn, cầu băng sông Đồng Nai

Tận dụng lợi thế giáp sông Sài Gòn, Bình Dương triển khai xây dựng Dự án đường Bạch Đằng nối dài từ chợ Thủ Dầu Một đến cầu Phú Cường có tổng chiều dài gần 1.000m, gồm một tuyến chính và hai tuyến nhánh. Số tiền đầu tư cho dự án khoảng 650 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 430 tỷ đồng, còn lại là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra, khảo sát toàn khu vực ven sông Sài Gòn, đoạn từ thành phố Thủ Dầu Một đến thành phố Thuận An dài khoảng 3km.

Các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất xây loạt cầu, đường tránh 'ngăn sông cách chợ' ảnh 3

Bình Dương xây trục đường dọc sông Sài Gòn

Trong tương lai, tỉnh Bình Dương sẽ có đường ven sông Sài Gòn từ thành phố Thuận An đến thành phố Thủ Dầu Một. Việc phát triển hạ tầng giao thông dọc sông Sài Gòn sẽ tạo đà cho sự phát triển của đô thị, dịch vụ, du lịch dọc tuyến sông này.

Tại hướng Đông, Bình Dương sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Nai để xây cầu Hiếu Liêm 2 bắc qua sông Bé kết nối xã Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Hai tỉnh này sẽ xây dựng cầu Tân An - Lạc An bắc qua sông Đồng Nai kết nối xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Tại đây sẽ có các điểm kết nối vị trí đường Trịnh Huy Chương (Đồng Nai) với tuyến đường mở mới đến đường ĐT 746 (Bình Dương).

Các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất xây loạt cầu, đường tránh 'ngăn sông cách chợ' ảnh 4

Bình Dương và Đồng Nai sẽ xây dựng cầu băng sông Đồng Nai

Ngoài ra, Bình Dương và Đồng Nai sẽ kết hợp xây cầu Tân Hiền - Thường Tân bắc qua sông Đồng Nai kết nối tại vị trí đường Hương lộ 6 (bến phà Bà Miêu 2) với đường mở mới đến đường ĐT 746 để kết nối xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Cầu đường bộ cuối cùng được đề xuất bổ sung là cầu Thạnh Hội 2 vượt sông Đồng Nai có vị trí kết nối tại bến phà Bình Hòa (bờ tỉnh Đồng Nai) và bến phà Nhật Thạnh (bờ tỉnh Bình Dương).

MỚI - NÓNG