Khoản hỗ trợ 550 giáo viên rời bục giảng: Nghẹn ngào và cay đắng

Hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk phải rời bục giảng chỉ nhận được số tiền hỗ trợ rất ít ỏi.
Hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk phải rời bục giảng chỉ nhận được số tiền hỗ trợ rất ít ỏi.
TP - Trong 550 giáo viên hợp đồng dôi dư tại huyện Krông Pắk (Ðắk Lắk) bị buộc thôi việc trong đợt này, có hàng trăm người gần như “trắng tay” vì chỉ nhận được số tiền hỗ trợ quá ít ỏi cho nhiều năm đứng trên bục giảng.

Người được nhận, người không

Ngày 27/8, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết: Huyện này đã triển khai hai phương án chấm dứt hợp đồng với các giáo viên. Phương án đã được các sở, ban, ngành kiểm tra chặt chẽ và đầy đủ. Với những giáo viên hợp đồng, nhưng thi tuyển không trúng thì thanh lý hợp đồng và huyện đã vận dụng để có thêm khoản hỗ trợ bằng cách xin ý kiến, hướng dẫn của các sở, ban, ngành. Huyện tính toán số tiết, thời gian dạy thực tế của giáo viên, nếu trả còn thiếu thì bổ sung. Theo đó có những người được nhận tiền, có người không được nhận đồng nào, chứ không phải cứ dạy lâu năm là được nhận hỗ trợ.

Trước đó, vào ngày 1/8/2018, UBND huyện Krông Pắk ban hành phương án hỗ trợ mất việc đối với số giáo viên đã thi nhưng không trúng tuyển (phương án số 20). Ngày 9/8/2018, UBND huyện tiếp tục ban hành phương án số 25 để thanh lý hợp đồng đối với 208 giáo viên “không có vị trí thi (xét) tuyển viên chức giáo dục 2017” tại huyện này. Tiếp đó, ngày 15/8, ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, (một trong ba chủ tịch UBND huyện ký hợp đồng vượt định biên khiến hơn 550 giáo viên dôi dư) đã ra văn bản nhắc nhở các nhà trường phải “nghiêm túc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng giáo viên” theo hai phương án nêu trên.

Theo phương án số 20, đến hết tháng 8/2018, huyện sẽ chấm dứt hợp đồng với 353 người. Tổng số kinh phí dự kiến hỗ trợ thôi việc cho số giáo viên này là hơn 911 triệu đồng. Tương tự, phương án thanh lý hợp đồng số 25 dành cho nhóm 208 giáo viên xét tuyển gần giống phương án số 20 với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Theo phương án số 25, các giáo viên cuối cùng phải thanh lý hợp đồng hạn cuối vào ngày 30/9. Như vậy, số tiền thực tế hỗ trợ giáo viên hợp đồng mất việc thấp hơn rất nhiều so với phương án sẽ chi 7-8 tỷ đồng mà Huyện ủy Krông Pắk thông tin trước đó.

Chua xót nhận tiền hỗ trợ

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (giáo viên hợp đồng Trường tiểu học Phạm Văn Đồng, xã Krông Búk) chua xót nhận món tiền vẻn vẹn 604.000 đồng, chị chia sẻ, bản thân đã không hề được công khai bàn bạc phương án giải quyết cũng như cách tính hỗ trợ với mình. Nếu theo phương án hỗ trợ giáo viên mất việc như tính lương tối thiểu vùng mà huyện đưa ra hồi tháng 6/2018, thì 5 giáo viên mất việc tại trường phải được hỗ trợ tổng cộng hơn 228 triệu đồng. Còn theo phương án mới nhất mà nhà trường lập, huyện phê duyệt thì 5 giáo viên này chỉ còn được nhận hơn 13 triệu đồng. “Tiền này chỉ bổ sung khoản đã chi trả thiếu theo quy định cho số tiết đã dạy thực tế của giáo viên những năm qua. Chứ không phải là tiền hỗ trợ thôi việc hoặc giải quyết chế độ chấm dứt hợp đồng theo Bộ luật Lao động”, chị Nhàn cho hay.

Anh Lê Thanh Lượng (giáo viên tin học Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Ea Kuăng) sau 8 năm đứng trên bục giảng chỉ được hỗ trợ hơn 1,3 triệu đồng trước khi mất việc. Anh Lượng bức xúc: “Vào tháng 5/2017, tôi không được nhà trường bố trí đi dạy nữa nên đành kiếm việc làm thêm để mưu sinh. Đến tháng 8/2018, tôi được thông báo hỗ trợ thôi việc hơn 1,3 triệu đồng. Tôi không hiểu trường tính toán ra sao nên đã yêu cầu nhà trường phải công bố phương án giải quyết thôi việc với mình, nhưng họ không trả lời”.

“Trước đây sai rồi, nay phải làm đúng”

Phóng viên hỏi các quyết định tuyển dụng “không đúng thể thức” là do lãnh đạo UBND huyện ký ban hành, vì sao lại buộc giáo viên chịu thiệt thòi? Bà Ngô Thị Minh Trinh trả lời: Nếu có thể áp dụng theo các quy định, việc cho 7-8 tỷ đồng hay nhiều hơn nữa để hỗ trợ giáo viên hợp đồng, thì huyện cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, do các quyết định ký hợp đồng trước đây của huyện là “không đúng với thể thức văn bản nào cả” nên rất khó vận dụng các quy định. Trước đây sai, thì đã sai rồi, nay phải làm đúng. Hơn nữa những người làm sai cũng đã chịu kỷ luật rồi. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.