Chuẩn bị vào năm học mới, giáo viên vẫn chưa biết dạy trường nào

Chuẩn bị vào năm học mới, giáo viên vẫn chưa biết dạy trường nào
TPO - Chuẩn bị đến năm học mới 2018-2019, những trường THPT trong diện phải giải thể theo đề án sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã hoàn tất, tuy nhiên, còn hàng chục giáo viên đang thấp thỏm, lo lắng không biết được điều dạy ở trường nào.

Giải thể xong, vẫn chưa có quyết định của UBND tỉnh?

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 101 trường THPT công lập. Những năm gần đây, nhu cầu học THPT có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là quy mô dân số giảm và thực hiện phân luồng sau THCS dẫn đến tình trạng trường THPT có những bất cập, hạn chế. Dẫn đến quy mô số trường học không đủ lớn để bố trí cán bộ, giáo viên dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ, chất lượng giáo dục thấp, công tác tuyển sinh khó khăn (do chất lượng giáo dục giữa các trường trên cùng địa bàn không đồng đều) gây lãng phí cơ sở vật chất,…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Theo đề án, năm học 2018-2019, sẽ có 5 trường THPT công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh tiến hành giải thể, gồm các trường THPT: Trần Khắc Chân (Vĩnh Lộc), Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), Lê Văn Linh (Thọ Xuân), Đinh Chương Dương (Hậu Lộc), Tĩnh Gia 5 (Tĩnh Gia).

Theo ông Phạm Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc, cho biết: Hiện nay nhà trường đã sắp xếp hồ sơ, kiểm kê tài sản để phân bổ về các nhà trường có tiếp nhận học sinh. Sau khi sắp xếp đủ chỉ tiêu ở các trường THPT trên địa bàn huyện, nhà trường vẫn còn 9 giáo viên (do các trường trên địa bàn huyện không còn chỉ tiêu) phải chuyển công tác đến các trường ngoài huyện, hiện chưa biết sẽ về trường nào.  

Còn ông Đỗ Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường Trường THPT Lê Văn Linh (huyện Thọ Xuân) thì cho biết: Theo lịch, chậm nhất ngày 22/8 là tựu trường; 15/8 là phân công chuyên môn cho giáo viên nhà trường. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có Quyết định giải thể trường của Chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn đang chờ Quyết định giải thể trường rồi mới tiến hành công tác chuyển giao học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.

Nhiều khó khăn cho giáo viên

Theo đề án, việc sắp xếp các trường THPT công lập dựa theo nguyên tắc mỗi huyện có ít nhất 1 trường THPT; giải thể các trường THPT có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp hoặc có vị trí không phù hợp để sáp nhập hoặc bố trí, sắp xếp vào các trường THPT khác trên cùng địa bàn…

Sau khi giải thể, cơ sở vật chất của các trường giải thể sẽ do UBND huyện, thị xã, thành phố có trách  nhiệm tiếp nhận và đồng thời xây dựng phương án sử dụng, đảm bảo phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Khó khăn nhất vẫn là giải quyết nguyện vọng công tác của cán bộ, giáo viên các nhà trường.

Ông Đỗ văn Thọ, chia sẻ, từ khi có Nghị quyết số 103/NQ-HĐND, ngày 7/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, trong đó, giải thể trường THPT Lê Văn Linh, tâm lý của cán bộ, giáo viên nhà trường cũng không ổn định do lo lắng cho công việc sắp tới. Đặc biệt, đối với những giáo viên buộc phải chuyển công tác đi ngoài huyện do các trường THPT trong huyện đã đủ chỉ tiêu biên chế.

Trường THPT Lê Văn Linh có 48 cán bộ, giáo viên, đa phần là giáo viên nữ, có con ở lứa tuổi học mầm non, tiểu học, gia đình đều đã ổn định chỗ ở tại thị trấn Thọ Xuân. Vì vậy, việc giải thể trường đồng nghĩa với việc các giáo viên phải chuyển công tác ở trường mới, phần lớn giáo viên sẽ phải đi dạy xa nhà.

Dự kiến, sẽ có 8-9 giáo viên chuyển về Trường THPT Lê Lợi; 10 giáo viên về Trường THPT Lê Hoàn, cách thị trấn 10 km; 13 người về THPT Thọ Xuân 4, cách thị trấn 7 km; 3 giáo viên về THPT Lam Kinh, cách 16 km; hơn 10 người về THPT Thọ Xuân 5, cách 20 km; còn 6 người không thể sắp xếp về các trường THPT trong huyện nên buộc phải bố trí công tác ra ngoài huyện, gồm có 1 giáo viên dạy môn Hóa học, 4 giáo viên dạy môn Toán. Hoàn cảnh của các giáo viên này cũng hết sức khó khăn.

Là một trong những giáo viên thuộc diện phải chuyển đi trường THPT trên địa bàn ngoài huyện Thọ Xuân, cô Hát Thị Phương, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường  THPT Lê Văn Linh, cho biết: "Khi biết trường thuộc diện giải thể, chúng tôi rất buồn và lo lắng. Được sự động viên của nhà trường, cấp trên, đặc biệt là có văn bản nêu rõ việc thời gian điều động đến công tác ở đơn vị ngoài huyện, sau 24 tháng sẽ được bố trí trở về các trường THPT trên địa bàn huyện cũ, chúng tôi cũng yên tâm hơn và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để chuyển công tác. Gia đình tôi có 2 con nhỏ, 1 cháu năm nay vào lớp 1, 1 cháu gần 12 tháng tuổi; chồng  tôi lại công tác ở huyện miền núi Quan Sơn.

Nếu phải chuyển công tác đến một trường THPT khác cách xa nhà, tôi phải đưa cả 2 con nhỏ đi theo. Sắp đến ngày tựu trường, tôi vẫn chưa nhận được Quyết định chuyển về trường nào, vì vậy cũng chưa biết nộp hồ sơ xin học cho con ở đâu. Bên cạnh đó, tôi cần có thời gian sắp xếp chỗ ăn, ở, trường học cho con… trước khi bắt đầu năm học mới. Tôi mong cấp trên sớm có Quyết định để chúng tôi ổn định tư tưởng, yên tâm công tác...".

Là trường có số giáo viên phải bố trí công tác đi ngoài huyện nhiều nhất, Trường THPT Đinh Chương Dương sau khi họp xét theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và sắp xếp các trường THPT trong huyện, còn 9/43 giáo viên phải chuyển công tác đến huyện khác. Hiện nay, nhà trường cũng đã gửi danh sách xét giáo viên đến đơn vị mới công tác về Sở GD&ĐT, tuy nhiên, do chưa có Quyết định giải thể trường nên giáo viên cũng chưa nhận được Quyết định về trường mới.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT, cho biết thêm: Sau khi bố trí, sắp xếp giáo viên tại 5 trường giải thể, còn 21 giáo viên phải bố trí công tác ở các trường THPT ngoài huyện. Hiện nay, số giáo viên này vẫn chưa có Quyết định chuyển công tác đến trường mới do đang chờ Quyết định giải thể trường của Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, giám đốc Sở GD&ĐT sẽ ký Quyết định cho các cán bộ, giáo viên thuộc 5 trường giải thể chuyển đến nhận công tác ở đơn vị mới.

Được biết, theo Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, năm học 2019-2020, sẽ tiếp tục giải thể 7 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến 2025, toàn tỉnh sẽ còn 88 trường THPT công lập, giảm 13 trường so với năm học 2017-2018.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.