Khoai mì hoang mang, khoai lang tức tưởi

Khoai mì hoang mang, khoai lang tức tưởi
Trồng khoai mì (sắn) để bán lá, chuyện khó tin này xảy ra ở huyện Châu Thành, Hậu Giang. Khó hiểu hơn là ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa xác định được chính xác đầu ra của loại phế phẩm nông nghiệp này và người mua sử dụng vào mục đích gì.

Khoai mì hoang mang, khoai lang tức tưởi

Trồng khoai mì (sắn) để bán lá, chuyện khó tin này xảy ra ở huyện Châu Thành, Hậu Giang. Khó hiểu hơn là ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa xác định được chính xác đầu ra của loại phế phẩm nông nghiệp này và người mua sử dụng vào mục đích gì.

Khoai lang bỏ dưới ruộng chờ mục làm phân bón cho lúa ở huyện Bình Minh
Khoai lang bỏ dưới ruộng chờ mục làm phân bón cho lúa ở huyện Bình Minh.
 

Quả thật, cây khoai mì thời gian gần đây đang cạnh tranh đất sống với nhiều loại cây trồng khác như: mít Thái, cam sành, nhãn… Đi dọc tỉnh lộ 925, đoạn qua xã Đông Phước A, huyện Châu Thành mùa này, ngoài những thửa đất chuyên canh, khoai mì còn được trồng xen trong các vườn cây ăn trái. Ở ven lộ, ngay cả trên mái taluy của những dốc cầu mái kè bảo vệ chân cầu cũng được khoét lỗ để trồng khoai mì. Hình ảnh này khiến người đi đường liên tưởng đến sự tức tưởi của cây khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ… trong suốt mấy năm gần đây.

Khoai mì rụng lá dần vì… ế

Ông Huỳnh Văn Bảy, nông dân ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A cho biết, phong trào trồng khoai mì bán lá rộ nhất trong khoảng hai năm trở lại đây, vì lợi nhuận gấp 3 – 4 lần trồng rau màu khác. Cá nhân ông Bảy chỉ trồng khoai mì trên bờ bao quanh ruộng, ước khoảng một công đất (1.000m2), mỗi đợt thu hoạch 500 – 600kg. Ông Bảy chia sẻ: “Trước đây giá bán 900 đồng/kg, sau đó tăng lên đến 1.500 đồng/kg…, nhiều người ùn ùn trồng xen khoai mì trong vườn cây khác. Hiện giá giảm chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, thương lái cũng ít mua khiến nhiều đám khoai mì lên cao tới tầm vai mà chưa bán được”.

Theo ông Bảy, trước kia khoai mì cao khoảng 6 – 7 tấc là có thể cắt gần sát gốc để bán, bón phân tưới nước chờ thu hoạch đợt tiếp theo. Thương lái cũng dễ tính, họ cân luôn cả lá lẫn thân, sau đó họ chỉ mua toàn lá (bỏ thân)… Rồi tới lúc này họ chỉ còn mua của những mối thân quen, khiến nhiều đám khoai “vượt cỡ” cứ vàng, rụng lá và cao dần. “Cái khó của nông dân là khoai mì đã bẻ thân một lần thì sẽ không thể cho củ, nếu có cũng chỉ củ nhỏ và toàn xơ không thể sử dụng được”, ông Bảy nói.

Ông Nguyễn Thanh Việt, phó chủ tịch UBND xã Đông Phước A, cho biết: “Nhiều người trồng xen khoai mì trong vườn cây nên rất khó thống kê được, còn diện tích trồng chuyên chỉ khoảng 3 hecta”. Tuy nhiên, theo ông Việt, những hộ này luôn từ chối hoặc né tránh việc thông tin ngay cả với chính quyền địa phương!

Nhiều nguồn tin cho biết, lá khoai mì được mua để bán lại cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi thuỷ sản hoặc chuyển đi TP.HCM… Bác bỏ thông tin này, ông Phạm Văn Bên, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, chuyên sản xuất kinh doanh lương thực, thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản (Đồng Tháp) khẳng định: “Trong thành phần nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi không hề có lá khoai mì!” Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Lê Văn Đời thì cho rằng: “Cần phải tìm hiểu thêm về hoạt động trồng và mua bán lá khoai mì ở tỉnh này trước khi thông tin”. Tuy vậy, theo ông Đời, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên cân nhắc, không phát triển rầm rộ khi đầu ra chưa ổn định.

Khoai lang... làm phân bón lúa

Giá khoai lang tím Nhật (khoai xuất khẩu) hiện khoảng hơn 200.000 đồng/60kg, nhưng ông Huỳnh Văn Quân, phó chủ nhiệm hợp tác xã khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) phân định rõ: “Đó phải là khoai dưới năm tháng tuổi, mẫu mã đẹp. Khoai đã 6 – 7 tháng tuổi chỉ còn 50.000 – 70.000 đồng/60kg, tuỳ mẫu mã”.

Giá cả rẻ khiến vùng trồng khoai chìm sâu trong ảm đạm. Nhiều diện tích khoai lang ở các huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) đã quá lứa, người trồng không buồn thu hoạch, bỏ mặc cho cỏ mọc um tùm. Những chủ ruộng thua trắng nhiều vụ khoai đã không ngần ngại phá bỏ khoai quay về với cây lúa. Lượm mớ khoai khô tóp còn nằm vương vãi đầy mặt ruộng mà thảm lúa hai tuần tuổi chưa thể che đậy được, ông Nguyễn Văn Thiện ở xã Thuận An, huyện Bình Minh tiếc rẻ: “Khoai lang bây giờ bỏ luôn dưới ruộng chờ mục làm phân bón cho lúa, vậy mà lúa cũng vàng hoe!”, ông Thiện ngao ngán.

Ở xứ sở khoai lang Bình Tân, mấy năm qua phong trào trồng khoai khó có thể ngăn chặn, nhưng tới lúc này ông Võ Văn Theo, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện này cho hay: “Có khoảng 500 – 600ha đất trồng khoai lang đã ngưng trồng khoai, chuyển sang sạ lúa trong vụ đông xuân này”. Đây chính là bằng chứng của sự thua lỗ trong nghiệp trồng khoai lang – hậu quả của biến động giá, quy cách sản phẩm thay đổi liên tục và sự thất thường ở đầu ra.

Ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ hồi năm ngoái có đến gần 800ha đất trồng lúa ba vụ mỗi năm đã bị cây khoai lang giành chỗ đứng. Vậy mà tới thời điểm này, ông Ngô Thanh Sơn, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện này cho biết: “Hầu hết những người ngoài địa phương về đây mướn đất trồng khoai lang đều đã buông tay bỏ chạy vì lỗ lã”.

Theo Ngọc Tùng
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG