Khó xử với Sử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bóng một người ngồi với Lịch sử trong phòng thi, khiến nhớ đến nhân vật chính trong tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương. Ngồi trên mảnh đất có tên Giao Chỉ, cảm nhận “thời gian là cái gì đó lờ mờ, buồn bã”, bên cây cột đồng mang bóng huyền sử xa xăm. Để cuối cùng bỗng thấy mình ngồi bên cây cột điện giữa thời đại xô bồ lăn lóc những vỏ lon bia cùng rác rưởi, nước thải. Lịch sử, thời gian trôi xuôi thật nhanh trong mỗi con người, còn nền văn minh thì đang quay ngược.

Những dòng ấy trong bài “Sử thi một người” tôi viết đăng báo Tiền Phong mùa thi năm 2014. Kỳ thi đầu tiên áp dụng “hai trong một”, trong đó Sử là một trong số những môn tự chọn để thi, chứ không phải tự chọn để học như chủ trương mới sắp sửa áp dụng. Để rồi kể từ mùa thi ấy nhan nhản những điểm trường chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử, được phục vụ bởi hội đồng thi ngót 20 người...

Trước thông tin môn Sử sẽ trở thành môn học tự chọn ở cấp THPT từ năm học tới, chúng ta đã tranh luận, đã cãi nhau, quá nhiều rồi. Nhưng điều cuối cùng chúng ta vẫn chưa lường hết được, đó là “sự tráo trở của phương pháp”.

Là phương pháp tiếp cận môn Lịch sử. Toán, Lý, Hóa là kiến thức chuyên môn, Văn, Sử, Địa, Pháp luật là hiểu biết xã hội. Chuyên môn sâu phạm vi hẹp, còn hiểu biết xã hội rộng lớn bao trùm. Ra đời mấy ai mang công thức khoa học ra nói với nhau, nhưng trong mọi giao tiếp không thể thiếu những hiểu biết về quá khứ, hiện tại, về những vùng đất, con người, nền văn hóa, văn minh dân tộc và nhân loại.

Đoán định vị lai thuộc về giới khoa học và các thầy bói. Chiều ngược lại không chỉ quá khứ mà ngay cả hiện tại tôi cho rằng cũng chính là sử. Năm phút trước hay một phút trước đã là “sử”. Sử không chỉ là những biên niên được chép lại bởi các nhà sử học, mà là chính mỗi chúng ta, từ đánh giá, nhìn nhận, chọn lựa của cá nhân. Tạo nên nhận biết, nhận thức đúng/sai, chọn lựa thế giới quan, nhân sinh quan, và cao hơn là lý tưởng cho mình.

Khó xử với Sử ảnh 1

Tác giả: TRÍ QUÂN

Chẳng nhà trường nào bỏ môn Sử. Cũng không hẳn cứ phải học Sử mới yêu nước. Biết là vậy, nhưng sai lầm về phương pháp dạy dỗ môn học này của chúng ta là cứ mãi loay hoay giữa kiến thức và nhận thức, giữa ghi nhớ và hiểu biết. Biết học chay, nhồi nhét kiến thức, những sự kiện con số là sai lầm, nhưng sao vẫn cứ trung thành với cách học “khổ sai” này? Khi công cụ kiếm tìm hiện tại chỉ cần mấy giây đã cho ra mọi kết quả. Loay hoay mãi. Một thời có chủ trương vẽ truyện tranh lịch sử đưa vào nhà trường, rồi làm phim ảnh, nhưng đa số học trò vẫn chán Sử.

Thế giới kỳ thực cũng đầy rẫy những cô cậu học trò chán Sử. Nhưng ít ra chúng không phải học chay học vẹt học nhồi. Chúng thường xuyên được học ở các bảo tàng, các di tích, di chỉ khảo cổ, tham gia các cuộc tranh luận để phản biện. Chúng tìm thấy sự hấp dẫn không chỉ về sử liệu, mà còn trong quá trình tự đi thực địa, rồi đọc sách tổng hợp, tìm tòi để cho ra những sản phẩm nghiên cứu là những bài tập, bài thu hoạch, đồ án của chính mình, được nhận xét theo ý mình. Sự hứng thú không chỉ đến từ kiến thức lịch sử, mà còn liên văn bản tới địa lý, văn học, cổ học, dân tộc học,...

Vậy, có thật là khó xử với môn Sử?

MỚI - NÓNG