Khó chồng khó ngành cơ khí Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - nóCơ khí vốn được coi là ngành mũi nhọn công nghiệp của Việt Nam nhưng càng ngày càng thụt lùi, nhiều cái tên còn mất hút trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện nay đang phải đương đầu với nhiều thách thức, sức cạnh tranh yếu hơn so với doanh nghiệp cơ khí các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngành cơ khí thua trên sân nhà

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, có rất ít thương hiệu trong nước, chủ yếu là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh, mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu trong nước.

Ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô, chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Tuy nhiên, giá trị doanh thu thuần của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm, chỉ đạt hơn 18%.

Khó chồng khó ngành cơ khí Việt Nam ảnh 1
Bên cạnh cơ chế đặt hàng của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp ngành cơ khí cũng phải ‘lột xác’ để tìm thị trường, mở rộng chuỗi kết nối. Ảnh: Như Ý

Hiện công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn còn đơn giản, lạc hậu, trình độ kém hơn khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Mặt khác, phần lớn thiết bị qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu vốn để đầu tư đổi mới, nâng cấp.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, đòi hỏi trình độ khoa học – công nghệ cao, người lao động thiếu tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác.

Cần xác định vai trò để có cơ chế phù hợp

Về việc giải bài toán nâng cao chất lượng đầu ra của ngành cơ khí, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, ngành cơ khí có hơn 30 năm hình thành, phát triển nhưng ngày càng teo tóp đi. “Ở đây chúng ta phải xác định vai trò của ngành cơ khí có cần thiết với nền kinh tế không để từ đó có những kiến nghị về chính sách”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, để phát triển lĩnh vực cơ khí, theo ông Thành, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn nữa, bảo lãnh tín dụng hoặc có cơ chế đặc biệt phục vụ cho việc chế tạo các thiết bị cần nhiều vốn, chu kỳ dài. Thậm chí Chính phủ cần đứng ra hỗ trợ ngành thông qua cơ chế tạo đơn hàng quy mô lớn.

Bên cạnh bệ đỡ từ Chính phủ và các bộ ngành, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho doanh nghiệp, chủ động tiếp cận, liên kết để tham gia quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới và từ đó dần dần tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Trả lời Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, ngành cơ khí liên quan đến nhiều chế tạo và thiết kế. Thiết kế là chủ lực nhưng Việt Nam chưa làm được mà chỉ đứng ra gia công cho các nước phát triển. Bên cạnh đó, hàng cơ khí trong nước hiện không đủ sức cạnh tranh với các nước có chi phí và giá thành rẻ hơn như Thái Lan, Trung Quốc.

“Trước đây ta có những tập đoàn cơ khí lớn như cơ khí đóng tàu. Thế nhưng trước đây phải có cơ chế doanh nghiệp mới làm được như có khu vực cảng nước sâu để đóng tàu nhưng bây giờ tư nhân làm điều này thì rất khó”, ông Đinh Thế Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, muốn phát triển ngành công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo, bản thân Bộ Công thương trước hết phải siết chặt quản lý hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, giám sát chặt doanh nghiệp trong nước lợi dụng mua hàng Trung Quốc về dán mác lại. “Có làm như vậy mới bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam và niềm tin của người tiêu dùng”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, ông Hiển cho rằng, vấn đề vốn với doanh nghiệp cơ khí rất quan trọng. Đa số các doanh nghiệp cơ khí là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn để phát triển. Nếu chúng ta không phát triển ngành cơ khí thì đừng nói tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp. Ngành cơ khí làm chính sách yếu nên doanh nghiệp hụt hơi và chậm phát triển”.

Ông Hiển cho rằng, cần sớm xây dựng Luật Cơ khí, tạo lập khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy ngành cơ khí phát triển. Bởi, khi Luật Cơ khí ra đời sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành phát triển, đem lại công ăn việc làm, giảm giá thành đầu tư, tự chủ trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành thiết bị.

MỚI - NÓNG