Trả lời câu hỏi của Tiền Phong liên quan tới việc công khai danh tính 3 cán bộ bị đề xuất kỷ luật liên quan tới chuyện điều xe công (xe biển xanh) của Bộ Công Thương đón người nhà bộ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Đỗ Ngọc Hưng cho biết: Ba cá nhân bị đề xuất kỷ luật gồm: Phó Chănh văn phòng Đỗ Văn Côi; Trưởng phòng Lễ tân Đào Tùng Lâm; Chuyên viên Phòng Lễ tân Đào Duy Hưng. Trong đó, hai người bị đề nghị khiển trách, một người kiểm điểm rút kinh nghiệm. Mức kỷ luật trên, theo ông Hưng, là căn cứ nội dung và kết quả kiểm tra rà soát, xem xét kỹ vụ việc, trong bối cảnh thực tế, quá trình công tác, đóng góp cá nhân, theo các quy định hiện hành và là kiến nghị của Hội đồng kỷ luật Bộ Công Thương. Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ họp, rà soát, xem mức kỷ luật như vậy đã thỏa đáng chưa để đưa ra quyết định cuối cùng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: Trong sự việc này, Bộ Công Thương sẽ làm hết trách nhiệm. Hội đồng kỷ luật có quyền ra luôn quyết định với bộ phận cán bộ lễ tân, nhưng cấp lãnh đạo Văn phòng Bộ thì phải Ban cán sự Đảng Bộ xem xét. “Hiện các thứ trưởng, bộ trưởng đều đi công tác, nên chưa họp kỷ luật. Bộ sẽ làm đúng thẩm quyền của mình, với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan”, ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về cơ sở đề xuất lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương với số lượng nhân sự 155 biên chế, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, dự thảo nghị định về ủy ban này theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 (có hiệu lực từ 1/7/2019). Theo đó, Ủy ban này thuộc Bộ Công Thương. “Ủy ban ngoài nhiệm vụ theo Luật Cạnh tranh còn thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức này đảm bảo đúng quy định, tinh gọn bộ máy, giải quyết công việc hiệu quả hơn”, ông Tân nói. Theo đó, Ủy ban thành lập trên cơ sở sáp nhập Cục Quản lý Cạnh tranh - Bảo vệ Người tiêu dùng với Hội Đồng cạnh tranh.
Về đề xuất tăng nhân sự từ 68 biên chế hiện có của 2 cơ quan dự kiến sáp nhập thành Uỷ ban lên 155 biên chế, theo ông Tân, do Luật Cạnh tranh đặt ra nhiều nhiệm vụ, công việc phức tạp hơn nên phải tăng nhân sự. Tuy nhiên, số nhân sự tăng thêm được điều chuyển từ bộ máy biên chế của Bộ Công Thương, không phải xin tăng và tuyển dụng thêm.
Không phải âm Quỹ Bình ổn giá nên thiếu xăng A95
Trả lời câu hỏi liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, thị trường xăng dầu đã dần tiến sát cơ chế thị trường. “Cả nước có 28 đầu mối được xuất - nhập khẩu và kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Dự kiến thời gian tới đầu mối được xuất - nhập khẩu trực tiếp xăng dầu sẽ còn tăng, Bộ Công Thương đang xem xét cấp phép thêm cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định 83”, ông Hải nói.
Về điều hành giá, theo ông Hải, Nghị định 83 đã quy định rõ công thức: liên ngành Công Thương - Tài chính chỉ điều tiết giá qua điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này được trích 300 đồng mỗi lít xăng dầu khi nhập về, nằm ở doanh nghiệp đầu mối, không phải nằm ở cơ quan quản lý nhà nước.
“Việc trích quỹ bình ổn giá doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước. Với những doanh nghiệp mới thành lập, quỹ kết dư chưa nhiều, thì khi trích nhiều tất yếu sẽ bị âm. Còn những đầu mối lớn, hoạt động lâu quỹ đều kết dư, nên thực tế chỉ có 9/28 đầu mối âm quỹ bình ổn. Cá nhân tôi không muốn tồn tại quỹ bình ổn giá, tốt nhất là nên bỏ quỹ này đi. Tuy nhiên, do thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng quy luật bản chất thị trường, còn có sự điều hành của nhà nước, nên vẫn cần thiết phải có quỹ bình ổn”, ông Hải nói.
Về kỳ điều hành giá hôm 2/4 bị dư luận phản ứng khi tăng mạnh trong khi bình quân giá xăng dầu thế giới không nhiều đột biến, lãnh đạo Bộ Công Thương bèn lật lại kỳ điều chỉnh giá trước đó (ngày 18/3) để chứng minh: giá xăng dầu trong nước không tăng, trong khi thế giới tăng. Việc này, do trùng thời điểm đã quyết định tăng giá điện vào ngày 20/3, nên không thể tăng thêm giá xăng dầu, sẽ dẫn tới tăng kép, ảnh hưởng tâm lý người dân và giá cả các mặt hàng khác. Do đó, thay vì tăng giá xăng dầu ở kỳ trước đó, Liên bộ Công Thương -Tài chính đã áp dụng biện pháp trích quỹ bình ổn hơn 2.000 đồng mỗi lít xăng, dầu để giữ giá bán lẻ.
“Vì vậy, ở kỳ điều chỉnh ngày 2/4, cùng với giữ mức trích quỹ bình ổn cao như ở kỳ điều chỉnh trước đó, kết hợp với tăng thêm mỗi lít xăng dầu hơn 1.000 đồng. Vì nếu tiếp tục trích quỹ để giữ giá thì quỹ lấy tiền đâu nữa mà bù", ông Hải nói thêm. Ngoài ra, sự cố xảy ra tại nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngày 24/2 đã dẫn tới thiếu xăng A95 ở một số cây xăng, và phải tới ngày 28/2, nhà máy mới sản xuất trở lại xăng A95. Hiện sản phẩm xăng của nhà máy Nghi Sơn chiếm khoảng 40% thị phần xăng bán lẻ trong nước.