Khỉ vàng để thử vaccine được nuôi như thế nào?

Ông Vũ Công Long cho khỉ đã tiêm vaccine Covid-19 ăn trưa. Ảnh: Anh Phú.
Ông Vũ Công Long cho khỉ đã tiêm vaccine Covid-19 ăn trưa. Ảnh: Anh Phú.
Mỗi ngày, khỉ được cho ăn ba bữa, kiểm tra nhiệt độ và sức khỏe, xem mắt chúng có sáng không, chân tay có nghịch ngợm nhảy nhót không.

10h sáng 22/12, trên đảo Rều ở Cẩm Phả, đã đến giờ khỉ ăn trưa. Ông Vũ Công Long, Trại trưởng Trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế, mặc vào chiếc áo trắng dành cho nghiên cứu viên, mở khóa khu vực nuôi nhốt. Bữa trưa cho đàn khỉ hôm nay gồm gạo lật nấu lẫn với đỗ đen và lạc, đựng trong một chiếc rổ sạch màu đen.

Vừa bốc từng nắm cơm thả vào máng ăn, ông Long vừa nói: "Chế độ ăn này đặc biệt lắm". Thức ăn phải có nguồn gốc, hoa quả phải sạch, không được phun hay trộn thuốc trừ sâu, hóa chất để tránh gây bệnh cho khỉ. Mỗi ngày, khỉ được ăn hai bữa cơm và một bữa phụ gồm hoa quả, mía để ăn được nhiều, hấp thụ tốt hơn. Bữa ăn được thiết kế hoàn toàn theo kinh nghiệm cá nhân về nuôi khỉ của ông Long.

Đảo Rều, nơi trại chăn nuôi khỉ tọa lạc, gồm hai phần chính là đảo đất và đảo đá, không có người ở trừ 13 cán bộ nghiên cứu và ba con chó cùng trông nom chăm sóc đàn khỉ. Đảo đất đang nuôi thả tự do gần 1.000 con khỉ vàng Macaca Mulatta, còn đảo đá biệt lập là nơi nuôi nhốt khỉ nghiên cứu. Có 12 con khỉ, 3-5 tuổi, nặng 3-5 kg, đang ở trên đảo đá. Mỗi con khỉ ở một chuồng, 6 con một phòng. Lô khỉ đầu tiên đã tiêm vaccine thử nghiệm Vabiotech từ ngày 27/10, đến nay được gần hai tháng. Lô khỉ thứ hai được tiêm thử vaccine từ đầu tháng 12.

Theo ông Long, khỉ vàng được chọn để nghiên cứu bởi chúng ít có mầm bệnh. Các con khỉ đang trên đảo đá được bắt từ đảo đất, trước khi tiêm vaccine phải nuôi nhốt một tháng. Số lượng người tiếp xúc với khỉ cũng rất hạn chế, chỉ cần một người cho ăn và quan sát mỗi ngày, đảm bảo khỉ không tiếp xúc với nguồn bệnh.

Mỗi buổi sáng, cán bộ sẽ kiểm tra sức khỏe của khỉ. Họ đo thân nhiệt, quan sát xem mắt có sáng, nghịch ngợm, nhảy nhót hay không, vì đây là các dấu hiệu cho thấy một con khỉ khỏe mạnh. Nếu có dấu hiệu bệnh, cán bộ quan sát xem khỉ bị ốm do thức ăn hay do vệ sinh của khu nhốt. Sau đó, họ ghi chép trung thực vào sổ tay để báo lại với nhà sản xuất vaccine và các đơn vị nghiên cứu.

Thời gian theo dõi chặt chẽ nhất là một tuần sau tiêm vì có thể xuất hiện phản ứng phụ. Đây cũng là mốc quan trọng để tìm hiểu các phản ứng phụ và đánh giá hoàn toàn tình trạng của con khỉ. Khi ấy, cần tới 2-3 người để bắt giữ khỉ, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày và xem vết tiêm có sưng hay xung huyết.

"Khỉ rất khỏe, chúng có thể giãy hoặc tấn công", anh Phạm Xuân Thái, Phòng thực nghiệm, cho biết.

"Chúng tôi chưa thấy chú khỉ tiêm thử nghiệm nào gặp vấn đề. Thân nhiệt cũng như sự linh hoạt trước và sau khi tiêm không hề thay đổi", ông Long nói.

Khỉ vàng để thử vaccine được nuôi như thế nào? ảnh 1

Giống khỉ vàng để thử nghiệm vaccine và nghiên cứu y học tại Quảng Ninh. Ảnh: Chi Lê.

Sau 4 tháng theo dõi, nếu khỉ không có biểu hiện bất thường gồm vết tiêm không nổi u cục, không nổi mề đay, không bị ho sốt, thân nhiệt ổn định, ăn uống bình thường, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra nội tạng để xem vaccine có gây tổn thương bên trong hay không. Khi kết quả thử nghiệm trên khỉ đạt, vaccine chuyển qua giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm trên người.

Hơn 30 năm công tác, tự tay nuôi và chăm sóc cho khỉ, ông Long chưa ghi nhận loại vaccine nào gây phản ứng phụ trên cơ thể của loài linh trưởng này. Với vaccine Covid-19, có hai đơn vị thử nghiệm trên khỉ ở đảo Rều gồm Nanogen và hiện tại là Vabiotech, đều cho kết quả khả quan.

Đến nay, Nanogen đã thử nghiệm trên khỉ thành công, chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Những chú khỉ khỏe mạnh hơn, tăng cân chỉ sau một tháng.

"Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi và quan sát, tôi thấy biểu hiện trên khỉ rất tốt", ông Long nói. "Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ nghiên cứu thành công vaccine Covid-19".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG