Phòng xử thân thiện
Đến thăm Tòa gia đình và người chưa thành niên hôm qua, phóng viên ghi nhận tòa được bố trí theo mô hình thân thiện, nhiều tiện ích. Ngoài phòng xét xử, còn có các phòng xét xử thân thiện, phòng tư vấn - hòa giải, phòng trẻ em, phòng trợ giúp y tế…
Ở phòng xét xử thân thiện có 1 bàn lớn hình vuông, HĐXX ngồi đối diện với đương sự, hai bên còn lại sẽ là chỗ ngồi của đại diện VKSND và luật sư tham gia phiên tòa. Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM, cách bố trí này giúp đương sự có thể trình bày, nói chuyện một cách thoải mái, không còn không khí căng thẳng tại tòa, nhất là đối với những vụ án hôn nhân khi các cặp vợ chồng cực chẳng đã mới đưa nhau ra đây. “Khi họ được bố trí ngồi như vậy giống như việc chia sẻ cuộc sống gia đình với HĐXX sẽ bớt đi áp lực cho cả hai vợ chồng”- bà Hương giải thích.
“Phải mất hơn 1 tháng nữa Tòa gia đình và người chưa thành niên mới có vụ xét xử đầu tiên, bởi hiện nay phải chờ hồ sơ từ TAND TPHCM chuyển sang, giao việc cho các thẩm phán phụ trách. Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ có 18 thẩm phán, trong đó ông Trần Thanh Minh làm Chánh tòa”.
Bà Ung Thị Xuân Hương
Ngoài ra, phòng tư vấn - hòa giải sẽ có nhiệm vụ tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, tư vấn về những hậu quả nặng nề sau ly hôn… để cha mẹ thấy trách nhiệm với con cái chưa thành niên. Trong khi đó, ở phòng dành cho trẻ em, các em sẽ được bố trí ngồi chờ cha mẹ. Nơi đây, các em được xem phim hoạt hình, vẽ tranh và chơi các món đồ chơi thích hợp lứa tuổi. Phòng này được trang bị hệ thống camera để các chuyên gia tâm lý có thể theo dõi diễn biến tâm trạng của các em, giúp cho HĐXX có thể đánh giá, đưa ra quyết định giao con cho cha hay mẹ để nuôi.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty Luật Đức Chánh đánh giá với việc được bố trí với mô hình thân thiện, nhiều tiện ích: Phòng xử, phòng tư vấn, phòng dành cho trẻ em, phòng y tế, phòng hòa giải... sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án “nhẹ nhàng” hơn, không khí căng thẳng thường thấy tại một phiên tòa thông thường sẽ giảm đi rất nhiều.
Bước tiến quan trọng
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao cho biết, việc ra đời Tòa gia đình và người chưa thành niên là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp.
Còn bà Ung Thị Xuân Hương nói: Tòa gia đình và người chưa thành niên là một mô hình hoàn toàn mới theo xu hướng cải cách tư pháp và bảo vệ triệt để quyền trẻ em, phụ nữ theo Hiến pháp 2013. Dù thế giới đã xuất hiện tòa này từ lâu nhưng theo bà Hương, sự kiện này cho thấy một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp ở nước ta. Chia sẻ về sự ra đời của tòa này, luật sư Chánh cho rằng: “Một phiên tòa không chỉ nhằm trừng trị tội phạm mà quan trọng nhất là có thể cải tạo, giáo dục để giúp các em nhận thức được những sai lầm mà mình đang phạm phải và trên cơ sở này giúp các em thay đổi, sống tốt hơn, có ích hơn trong xã hội”.
Lo ngại về đội ngũ nhân sự xử án thân thiện ở Tòa gia đình và người chưa thành niên với những đặc thù riêng, bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng, các thẩm phán sẽ được lựa chọn rất kỹ từ các tòa chuyên trách hiện tại, là những người có kinh nghiệm trong các vấn đề hôn nhân gia đình, người chưa thành niên. Ngoài đội ngũ thẩm phán, tòa còn có thêm đội ngũ chuyên gia tâm lý và tư vấn pháp luật để hỗ trợ tốt nhất cho công tác hòa giải, xét xử.
Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo cho rằng, quan trọng nhất vẫn là con người tham gia hòa giải, xét xử. “Mong rằng các thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký, kiểm sát viên và cả luật sư tham gia giải quyết vụ án liên quan đến gia đình, người chưa thành niên cần hướng đến, vì quyền lợi của trẻ chưa thành niên, bảo vệ quyền lợi của trẻ chưa thành niên là trên hết”- luật sư Vũ nói.