“Đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội”, “Không thể cấm đưa thông tin lên mạng”, “Phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội” – đó là những tiêu đề nổi bật trên báo chí khi thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị ngày 15/1 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng đưa ra chỉ đạo này tại hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ năm mới của Văn phòng Chính phủ, bởi “bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và cung cấp thông tin cho công chúng” là một trong 3 chức năng, nhiệm vụ chính được Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ.
“Chúng ta quản lý, điều hành mà người dân không biết chủ trương, chính sách thì không được”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đối với những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, cùng với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đúng đắn để xã hội hiểu đúng.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”.
Có thể thấy, chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện một cái nhìn khác trước về Internet, về mạng xã hội, về Facebook từ phía cơ quan quản lý. Phải thừa nhận rằng những thông tin thiếu chính xác, thậm chí sai trái, bịa đặt và mang ý đồ xấu, gây hoang mang và làm nhiễu loạn dư luận đã có lúc khiến không ít cơ quan quản lý có cái nhìn thiếu thiện cảm với những công cụ này.
Nhưng theo quan điểm của Thủ tướng, mạng xã hội hay Internet rõ ràng chỉ là công cụ, có điều công cụ ấy sắc bén hơn nhiều so với các công cụ truyền thống. Thủ tướng nói rõ, tình hình hiện nay đã rất khác do sự phát triển của công nghệ thông tin, trong nhiều trường hợp nếu chờ các bộ, ngành chức năng triển khai kế hoạch truyền thông, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin sẽ rất chậm.
Thủ tướng nhắc lại, trước đây sau khi xảy ra một số hành vi kích động, gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng kêu gọi người dân không tham gia các hành vi đó thì chỉ cần một tin nhắn điện thoại là “toàn dân biết ngay”. Điện thoại di động, cũng như Internet hay Facebook là những công cụ mới, điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi để bắt kịp thời đại, để sử dụng chúng như thế nào. Chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, minh bạch, đó là giải pháp hiệu quả nhất trước những thông tin sai trái, thay vì những rào cản nhiều khi không những kém hiệu quả mà còn phản tác dụng.
Nhưng các cơ quan chức năng chủ động nắm lấy các công cụ mới ấy cũng không phải chỉ để phản bác lại thông tin sai trái, ác ý, mà còn có thể phục vụ rất đắc lực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành. Chẳng hạn, theo Thủ tướng, để ứng phó với những trận siêu bão, trong thời gian ngắn phải di dời hàng triệu người dân thì việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng tới được ngay lập tức từng vị chủ tịch xã.
Và còn một lý do cũng rất quan trọng, “chủ động cung cấp thông tin để toàn dân biết, toàn dân thực hiện, nhưng đây cũng là quyền được cung cấp thông tin của người dân”, Thủ tướng nói.
Nói cách khác, chủ động cung cấp thông tin phải là một nghĩa vụ của cơ quan quản lý. Và để thực hiện cho tốt nghĩa vụ ấy trong một thế giới đang đổi thay hằng ngày, anh bắt buộc phải biết sử dụng những công cụ, công nghệ mới nhất. Internet và mạng xã hội đã đem lại cơ hội lớn chưa từng có cho việc giao tiếp giữa chính quyền với người dân.
Cách đây chưa lâu, tại phiên họp Chính phủ tháng 12/2014, người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhắc đến quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đánh giá dự án Luật Tiếp cận thông tin là phức tạp, cần được quy định chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi, Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần sớm báo cáo Chính phủ việc xây dựng, trình dự án để Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ, và trực tiếp nhất là Văn phòng Chính phủ, đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thông tin cho người dân, thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, qua các chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, các thông cáo báo chí được cung cấp hằng ngày đến các cơ quan thông tin truyền thông…
Những nỗ lực ấy đã được Thủ tướng ghi nhận, nhưng rõ ràng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thấu triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, mà còn để đáp ứng tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Theo Hà Chính